Biểu diễn tiết mục hò Đồng Tháp
Tìm về điệu hò
Từ năm 2010 trở về trước, hầu hết những người trẻ chúng tôi và cả nhiều người đã ngoài 60 tuổi cũng không biết gì về điệu hò Đồng Tháp. Thỉnh thoảng, chúng tôi chỉ biết loại hình nghệ thuật này được nhắc đến trong vài trang sách, một vài bản tin trên báo.
Trong số những người yêu mến điệu hò Đồng Tháp có Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, Nhạc sĩ Cao Văn Lý (tức Phạm Lý, quê huyện Hồng Ngự) đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần nhắc đến điệu hò Đồng Tháp, nhạc sĩ tâm sự, nhận thấy rằng điệu hò này rất có thể sẽ mất đi nếu không có ai đó tìm kiếm và khôi phục lại. Tôi băn khoăn lo lắng với những câu hỏi: Phải làm sao khôi phục lại nó? Phải làm sao cho các bạn trẻ ngày nay biết và yêu thích điệu hò đặc biệt này? Làm sao khơi dậy và phát triển điệu hò Đồng Tháp để từ đó góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Trước những suy nghĩ đó, từ sự gợi ý của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi quyết tâm tìm kiếm và khôi phục điệu hò Đồng Tháp, trả lại sự thanh cao, độc đáo quý hiếm mà nó từng có cũng như những tình cảm mà các chiến sĩ, bà con Nhân dân năm xưa đã từng tôn vinh và ca ngợi.
Với tấm lòng của những người con quê hương, với những tâm huyết của người nhạc sĩ, khi ấy nhóm nghiên cứu gồm: Nhạc sĩ Cao Văn Lý - Trưởng đoàn, là người chỉ đạo về học thuật và nghệ thuật xuyên suốt công trình; Nguyễn Kim Cúc - đồng tác giả công trình, phụ trách tổng hợp; Nhạc sĩ Trần Tấn Lực, khi ấy là nhạc sĩ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp được phân công làm việc với đoàn và Nguyễn Thanh Phong - cố vấn đã thực hiện công trình “Sưu tầm - Nghiên cứu - Phục hồi điệu hò Đồng Tháp của tỉnh Đồng Tháp”.
Ngày 21/6/2010, nhóm bắt đầu công việc điền dã. Công trình gồm 3 phần: Sưu tầm điệu hò Đồng Tháp; phân tích các yếu tố, đặc điểm nghệ thuật của điệu hò Đồng Tháp; tổ chức tập huấn sáng tác thơ, lời hò mới, biểu diễn và liên hoan hò Đồng Tháp. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc sưu tầm triệt để điệu hò Đồng Tháp trên phạm vi toàn tỉnh. Làm sáng tỏ những yếu tố nghệ thuật độc đáo, đặc trưng chỉ có ở điệu hò Đồng Tháp, lý giải vì sao điệu hò Đồng Tháp được nhiều người đặc biệt yêu thích. Làm cho điệu hò Đồng Tháp trở nên “có bài bản” và bền vững, để có đủ điều kiện phục hồi và phát triển.
Nhóm nghiên cứu đã đến tận các khóm, ấp của 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp để sưu tầm, biên soạn. Cuối cùng, hò Đồng Tháp được phục dựng như ngày hôm nay. Theo Nhạc sĩ Cao Văn Lý, hò Đồng Tháp nổi tiếng nhờ sự biểu cảm, lôi cuốn, âm điệu buông lơi, khoan nhặt, lúc trầm, lúc bổng... Đặc biệt, hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam Bộ có được - thể hiện một cách sâu lắng tâm tư, tình cảm của con người. Lời hò Đồng Tháp đều xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc từ ca dao tục ngữ. Điệu hò đã đồng hành cùng các Đoàn văn công biểu diễn khắp nơi phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong vùng kháng chiến thời đó của tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Nhạc sĩ Trần Tấn Lực - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Nét độc đáo của hò Đồng Tháp mà không điệu hò nào có được, đó là tiếng hò với giai điệu lên cao vút rồi xuống từ từ theo hình xoắn, rồi khi xuống trầm thì đàn hồi trở lại, nói nôm na là “lên bổng xuống trầm” một cách điệu đàng. Nhạc sĩ cũng cho biết, để thực hiện chuyển từ bài thơ lục bát, song thất lục bát... thành hò Đồng Tháp, người ta thường chen vào từ “...ơ...ơ...” hoặc “...ơ...hòa ơ...” vào câu thơ để đưa hơi, lấy đà, ngắt nhịp, ngân. Hò Đồng Tháp còn có nghệ thuật thêm từ đặc sắc. Đó là ngoài nghệ thuật kết hợp lồng tiếng hay thêm vào từ “ơ...” và “ơ...hòa ơ...”, trong hò Đồng Tháp người ta có thể thêm vào một số từ tiềm ẩn trong ý thơ nhằm tăng thêm hình tượng của thơ và tạo cho đường nét giai điệu được uyển chuyển hơn. Hoặc nghệ thuật nhắc lại một đoạn của bài thơ cũng đã khắc họa thêm hình tượng cảm xúc, mang ý nghĩa quan trọng cần được nhấn mạnh vào giữa câu hoặc đoạn nhắc lại, người ta có thể chen vào một giai điệu “...ơ...hòa ...ơ...hò...ơ...”.
Một buổi sưu tầm hò Đồng Tháp năm 2010 của nhóm nghiên cứu (Ảnh tư liệu)
Bảo tồn và phát huy
Hò Đồng Tháp ra đời cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19; phát triển cực thịnh, trở thành điệu hò nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ XX. Hò Đồng Tháp là một loại hò trên đồng nước, âm điệu của hò Đồng Tháp thể hiện rõ tâm tư tình cảm của con người, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông thơ mộng. Năm 2012, khi ấy Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê từng nói “...Trước khi đi Pháp (năm 1949), tôi biết hò Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ... chứ chưa biết hò Đồng Tháp. Tới chừng nghe Kim Nhụy (Đoàn Văn công) hát trong đĩa nhạc, tôi thấy hò Đồng Tháp vô cùng uyển chuyển, ngọt ngào. Nói về luyến láy thì hò Nam Bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp”. Chính vì điều này mà trong các lần giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến các quốc gia, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhiều lần nhắc đến hò Đồng Tháp.
Nhiều năm qua, cùng với phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh, hò Đồng Tháp cũng được “hồi sinh” qua các buổi tập huấn hò, sáng tác hò, liên hoan, biểu diễn và tổ chức giao lưu khắp các địa phương... Đến nay, ngành văn hóa trong toàn tỉnh đã tập huấn hò Đồng Tháp cho hơn 800 người, đa phần là lực lượng giáo viên, cán bộ, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa các huyện, thành phố, cán bộ cấp xã, nhân viên các điểm tham quan du lịch... Qua đó, phát hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên giỏi cung cấp cho các sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Suốt nhiều năm qua, trong giới ca sĩ trẻ biểu diễn tiết mục hò Đồng Tháp, ca sĩ Anh Đào được đánh giá là một giọng hò đặc biệt nhất. Hơn 10 năm trước, Anh Đào được thầy Cao Văn Lý dạy hò rồi về công tác cho Đoàn Văn công tỉnh nhà. Cũng từ đây, Anh Đào trở thành một trong những “giọng hò Đồng Tháp” không thể thiếu trong những chương trình biểu diễn. Biết Anh Đào có chất giọng hò Đồng Tháp rất đặc biệt nên khi mời biểu diễn, nhiều đơn vị gợi ý khi biểu diễn phải có một bài hò Đồng Tháp. Do đó, trong các lần đi diễn của Anh Đào thì đến hơn 50% có tiết mục hò Đồng Tháp. Ngoài biểu diễn nghệ thuật, cô ca sĩ trẻ này còn mang hò Đồng Tháp đến nhiều vùng miền.
Điều đặc biệt, ngay sau khi sưu tầm, khôi phục hò Đồng Tháp, cả 3 lần tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam kể từ năm 2011, các tiết mục có liên quan đến hò Đồng Tháp đều đạt giải. Có năm, các tỉnh phía Nam tham dự chỉ duy nhất Đoàn Đồng Tháp đạt giải A. Năm 2018, hò Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Nhận thấy nguy cơ mai một làn điệu dân ca truyền thống, cùng với sự cố gắn phục hồi hò Đồng Tháp của các nhạc sĩ, nghệ nhân địa phương, năm 2021, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Nhạc sĩ Trần Tấn Lực cho biết, thời gian qua, hò Đồng Tháp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đón nhận. Thông qua việc phát huy, hò Đồng Tháp đã lan tỏa trong cả nước. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đã biết đến hò Đồng Tháp. Lực lượng trẻ ngày nay có nhiều em rất đam mê hò Đồng Tháp. Các em luôn có ý thức giữ gìn và phát huy điệu hò. Để bảo tồn và phát huy hò Đồng Tháp, thời gian tới, cần tiếp tục sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương. Bên cạnh đó, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, nhất là lực lượng trẻ được dạy tập huấn hò Đồng Tháp. Ngành văn hóa cần tổ chức thường xuyên hội thi, hội diễn hát dân ca và hò Đồng Tháp; lồng ghép trong những chương trình biểu diễn nhiệm vụ chính trị, để hò Đồng Tháp thấm sâu vào văn hóa tinh thần của người dân.
Theo HỮU NGHĨA (Báo Đồng Tháp)