Ông Trương Văn Nhung, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) chăm sóc số ít hoa cúc Hà Lan mà gia đình trồng được.
Khu đất trồng hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) rộng 3.000 m2 đã bị cỏ dại mọc phủ kín. Không giấu được vẻ buồn, ông Bảy tâm sự: Giờ này của những năm trước, khu đất của tôi đã xuống giống trên 4.000 giỏ hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan. Người lao động rộn ràng cắt tỉa, chăm bón. Năm nay, giãn cách xã hội kéo dài, phong tỏa toàn TP Mỹ Tho ròng rã hơn một tháng. Người dân không ai đi đâu được. Những người cung cấp nguyên vật liệu để trồng hoa như: Giỏ, tro trấu, phân hữu cơ, giống, thuốc bảo vệ thực vật…cũng vậy. Không còn cách khác, chúng tôi buộc phải ngưng vụ hoa Tết năm nay. Dự định, gia đình vệ sinh lại đồng ruộng và chuyển sang trồng rau màu bán Tết.
Gần đó, gia đình ông Trương Vĩnh Lành đã tận dụng các giỏ hoa, nguyên vật liệu đã được dự trữ từ trước để trồng 2.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và cúc Hà Lan. Ông Lành cho biết: “Hằng năm, gia đình trồng hơn 10.000 giỏ hoa các loại như: Cúc Hà Lan, cát tường, vạn thọ… Năm nay, gia đình chỉ có thể trồng được 1/5 số lượng, do không có nguồn nguyên vật liệu. Mặt khác, chúng tôi cũng lo sợ cuối năm đầu ra không có nên không mạo hiểm xuống giống số lượng nhiều”.
Vợ ông Trương Vĩnh Lành, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tận dụng nguồn nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn để xuống giống 2.000 giỏ hoa bán Tết.
Hằng năm, làng hoa Mỹ Tho cung cấp cho thị trường Tết từ 1 đến 1,2 triệu giỏ hoa các loại. Trong đó, khu vực Mỹ Phong (TP Mỹ Tho) chiếm hơn 80% số lượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, đến thời điểm này, người dân chỉ xuống giống được 10 đến 15% sản lượng hoa các loại. Trong khi, cúc mâm xôi và cúc Hà Lan là hai loại chủ lực nhưng đã trễ thời gian xuống giống. Thống kê sơ bộ, làng hoa Mỹ Tho chỉ xuống giống được 30.000 đến 35.000 giỏ hoa các loại. Nguyên nhân giảm sản lượng là do người dân không đi lại được, giống hoa và nguyên vật liệu phục vụ cho trồng hoa không có. Mặt khác, ai đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu thì e dè đầu ra cuối năm nên cũng xuống giống rất hạn chế.
Còn tại làng hoa, kiểng có từ lâu đời ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), không khí cũng không khá hơn so làng hoa Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông Nguyễn Văn Liệt, ngụ xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết: “Mọi năm, gia đình tôi trồng vài nghìn giỏ hoa vạn thọ, cúc và khoảng 200 đến 300 gốc mai vàng bán Tết. Nhưng năm nay, chúng tôi ngưng lại để chuyển sang làm cây giống vì sợ dịch bệnh, khó tiêu thụ. Nhiều người dân ở nơi đây chỉ duy trì các loại cây kiểng Tết nhưng số lượng rất hạn chế như: Mai vàng, hoa giấy... Bởi, các loại kiểng này bán năm nay không được sẽ mang về dưỡng lại để năm sau bán tiếp. Đối với các loại hoa truyền thống trong ngày Tết như: Vạn thọ, cúc, mào gà, hướng dương... rất ít người xuống giống. Lo lắng lớn nhất của bà con trồng hoa là tình hình dịch diễn biến phức tạp sẽ khó vận chuyển đi xa, kinh tế khó khăn nên sức mua sẽ giảm”.
Bình thường hằng năm, người dân làng hoa Chợ Lách sẽ mang sản phẩm của mình làm ra tiêu thu khắp các chợ từ nam ra bắc. Vì vậy, khi dịch bệnh phức tạp, việc vận chuyển khó khăn nên rất ít người mạo hiểm xuống giống dù đây là nghề truyền thống từ lâu đời. Nếu không bán được vụ Tết năm nay sẽ đem về chăm sóc để bán những mùa Tết sau. Khi đó, gốc sẽ phát triển to hơn, không bị thiệt hại. Đối với các loại hoa tươi trồng trong giỏ như: Mào gà, vạn thọ, cúc, hướng dương... người dân rất dè dặt xuống giống vì rủi ro rất lớn.
Theo HOÀNG TRUNG - NGUYỄN SỰ (Nhân dân)