Độc đáo bonsai từ dây đồng

12/07/2019 - 08:25

Những sợi dây đồng thô ráp qua bàn tay khéo léo của anh Trịnh Trần Ngọc Anh (phường 1, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã trở thành tác phẩm nghệ thuật. Những mô hình kiểng bonsai mini dây đồng của anh Ngọc Anh đang trở thành một trong những tặng phẩm độc đáo ở thủ phủ hoa miền Tây.

Thợ điện tử thích sửa... cây kiểng

Sinh ra trong gia đình khó khăn, ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, anh Ngọc Anh đã phải tranh thủ những ngày nghỉ học để làm thêm phụ giúp gia đình. Lúc này, ở xứ hoa Sa Đéc, nghề sửa cây kiểng khá thịnh hành nên anh thường theo cha đi sửa cho các chủ vườn. Sáng dạ lại chịu khó học hỏi, anh nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản cũng như kỹ thuật tạo dáng cho cây. Học hết trung học phổ thông, anh Ngọc Anh tiếp tục học nghề sửa điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp.

Anh Ngọc Anh đang tỉ mẩn tạo ra những sản phẩm bonsai dây đồng độc đáo.

Anh Ngọc Anh cho biết, nghề sửa kiểng tạo dáng cây như thấm vô máu và trở thành đam mê lúc nào không hay. Do đó, khi ra trường, dù tốt nghiệp nghề điện tử nhưng anh quyết định theo đuổi đam mê sửa cây cảnh nghệ thuật. “Làm việc mình thích sẽ mang lại niềm vui và thú vị hơn nhiều. Hơn 8 năm gắn bó với nghề đầy những khó khăn, vất vả và bấp bênh về kinh tế, song chưa bao giờ tôi thấy hối tiếc. Bởi thời gian đó giúp tôi rèn luyện, trau dồi thêm kiến thức về nghề cây cảnh bonsai”- anh Ngọc Anh chia sẻ.

Sau 8 năm “rày đây mai đó” với nghề sửa cây kiểng, vì hoàn cảnh gia đình, anh Ngọc Anh không thể tiếp tục theo nghề và anh đã tìm cho mình một hướng đi mới. 3 năm trước, anh Ngọc Anh nảy ra ý tưởng tạo hình cây cảnh bonsai mini tại nhà, nhưng không phải từ các cây xanh quen thuộc mà từ các sợi dây kim loại. Anh Ngọc Anh cho rằng chính màu sắc của nguyên vật liệu cùng cách tạo hình riêng biệt hứa hẹn sẽ cho ra đời những sản phẩm bonsai thu nhỏ bắt mắt và sống động.

Lúc đầu, anh thử nghiệm làm sản phẩm bằng dây nhôm, kim tuyến, hạt cườm, vải... Những sản phẩm đầu tay tuy thành công nhưng anh vẫn chưa thật sự hài lòng bởi chúng dễ bám bụi và khó vệ sinh. Sau khi suy tính, anh chọn dây đồng bản to nhưng sản phẩm làm ra không mềm mại, mượt mà như mong muốn. Sau đó anh tiếp tục nghiên cứu và trong năm 2018 anh chính thức chuyển sang sử dụng nguyên liệu là dây đồng được sơn tĩnh điện. Loại dây này có ưu điểm là không gỉ sét, dẻo, có độ bền cao, đa dạng về màu sắc và đặc biệt là rất dễ vệ sinh.

Anh Ngọc Anh cho biết, để tạo sản phẩm bonsai bằng dây kim loại không chỉ đơn thuần cần sự tỉ mỉ, khéo tay, mà quan trọng ở tính nghệ thuật, nên người làm phải có óc thẩm mỹ và đam mê. Đặc biệt, sản phẩm làm ra phải đáp ứng đúng yêu cầu của nghệ thuật bonsai về chi tàn, bộ đế, thân. Các dáng cơ bản phải tuân thủ là dáng trực, xiên, hoành… Cây đủ chuẩn đẹp phải hội đủ yếu tố cổ, kỳ, mỹ. Tùy kích thước, mẫu mã, mỗi sản phẩm mất từ 2 - 4 giờ để hoàn thiện. Riêng đối với những sản phẩm lớn, có thiết kế cầu kỳ thì phải làm từ 7 - 10 ngày. Giá sản phẩm dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng. Như tác phẩm “Tri kỷ” mà anh phải mất hơn 8 ngày mới hoàn thiện có giá khoảng 4 triệu đồng.

Tặng phẩm độc đáo

Theo anh Ngọc Anh, để tạo ra một sản phẩm bonsai từ dây đồng không hề đơn giản, bởi nó không chỉ đơn thuần là bện các dây đồng thật chặt vào nhau mà phải tạo được dáng mềm mại tự nhiên. Tiếp sau là việc định hình phần đế, se lá… Cuối cùng là tùy mỗi dáng, màu sắc của cây sẽ kết hợp thêm các phụ cảnh để hoàn thiện sản phẩm. Dù thế nào thì mỗi sản phẩm ra đời phải mang ý nghĩa nhất định và toát lên cái thần riêng.

Nhờ có độ bền cao, kích thước nhỏ gọn, sống động, hài hòa như thật, không tốn công chăm sóc, nên sản phẩm của anh Ngọc Anh được ưa chuộng để trang trí trong nhà, phòng làm việc. Hiện tại, ngoài bán trực tiếp tại nhà, anh Ngọc Anh còn tiếp thị hàng qua các trang mạng xã hội và trưng bày tại các gian hàng khởi nghiệp. Nguồn thu từ nghề làm bonsai dây đồng không chỉ giúp kinh tế gia đình anh ổn định mà góp phần quảng bá hình ảnh thành phố hoa qua sản phẩm cây cảnh bonsai.

Anh Ngọc Anh cho biết nếu như khách du lịch đến Bến Tre, có sản phẩm làm từ dừa, Vũng Tàu có sản phẩm làm từ vỏ sò, ốc… làm quà lưu niệm, thì nét riêng của TP Sa Đéc chính là hoa. Ngoài các sản phẩm truyền thống, anh muốn tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng gắn liền với nơi được mệnh danh là thủ phủ hoa miền Tây.

Anh Trần Thái Trung, Phó Bí thư Thành đoàn TP Sa Đéc, cho biết: Địa phương đã và đang xây dựng, thúc đẩy phát triển hình ảnh thành phố hoa, do vậy những sản phẩm khởi nghiệp, nhất là sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá như của anh Ngọc Anh là rất cần thiết. Sản phẩm khởi nghiệp gắn với đặc trưng được xem là hướng đi mới, giúp quảng bá hình ảnh địa phương đến với bạn bè và du khách gần xa. Thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục có hướng hỗ trợ về mặt tiếp thị quảng bá sản phẩm ra thị trường, qua đó giúp các thanh niên khởi nghiệp phát triển ý tưởng ngày càng tốt hơn.

Theo Báo Cần Thơ