Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh

14/08/2024 - 09:04

Năm 2023, qua khảo sát, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức lớn về kinh tế-xã hội-môi trường, với hơn 72% số doanh nghiệp khu vực Tây Nam Bộ chịu tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Mô hình rau thủy canh kết hợp nuôi cá hữu cơ tại Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Do đó, phát triển kinh tế-xã hội theo hướng kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường trở thành xu hướng, yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là đòi hỏi từ thực tế khách quan ở miền đất “chín rồng”.

Yêu cầu tất yếu

Biến đổi khí hậu đang gây tác động bất lợi tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở miền Tây Nam Bộ. Một số doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu, đứt gãy kênh vận chuyển, mạng lưới phân phối, chi phí sản xuất bị “đội” lên cao, ảnh hưởng nguồn nhân lực,...

Đồng Tháp nằm ở khu vực đầu nguồn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm của cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”; mô hình sản xuất hữu cơ; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái,…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, trong quy hoạch, tỉnh định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Đối với những ngành nghề kêu gọi đầu tư, tỉnh tập trung ưu tiên ngành nghề kỹ thuật cao và giảm phát thải, hướng tới gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới bảo đảm sạch và xanh. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu phải đạt được tiêu chí xanh, lấy chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững là chủ đạo.

Phát triển kinh tế-xã hội theo hướng kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường trở thành xu hướng, yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là đòi hỏi từ thực tế khách quan ở miền đất “chín rồng”.

Chúng tôi đến tham quan mô hình Aquaponics của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản Đồng Tháp Aqua ở ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò. Đây là mô hình kết hợp giữa nuôi thủy sản tuần hoàn (Aquaculture) và trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín (Hydroponics), tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh. Nước từ bể cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải thành dinh dưỡng cho cây trồng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về lại bể cá. Aquaponics là sự kết hợp hoàn hảo và cho ra quy trình nuôi trồng khắc phục các nhược điểm của mô hình thủy canh và nuôi trồng thủy sản riêng lẻ.

Trang trại rộng hơn 13.000 m2, chỉ có 16 người vận hành toàn bộ hệ thống. Nơi đây có các hồ nuôi cá chình, lươn, chạch, trồng hàng chục loại rau, chủ yếu là tía tô, cần tây, diếp cá, thu hoạch mỗi ngày hơn 100 kg rau các loại. Giám đốc Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Chúng tôi thực hiện mô hình này nhằm mong muốn gìn giữ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn thông qua sự tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, mang đến những sản phẩm bền vững và chất lượng hơn cho xã hội…”.

Công ty hy vọng mô hình “Khu nông nghiệp tuần hoàn kết hợp nhà ở xanh” doanh nghiệp sẽ chuyển đổi thành công (người dân có thể mua hoặc thuê nhà bên trong khu này) để được hưởng không khí trong lành, những bữa ăn tốt, khu vui chơi giải trí lý tưởng.

Hướng đến phát triển bền vững

Nuôi biển được tỉnh Kiên Giang khuyến khích kêu gọi đầu tư, hướng đến phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và việc đánh bắt thủy sản quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên. Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đề ra kế hoạch nuôi cá trên biển với quy mô 4.000 lồng, sản lượng khoảng 4.400 tấn. Tỉnh đã đề xuất Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng Đề án phát triển nuôi biển bằng lồng HDPE, sử dụng vắc-xin phòng bệnh cho cá kết hợp trồng rong biển nhằm đa dạng đối tượng nuôi và góp phần giảm phát thải khí carbon.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh khuyến khích nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, có trình độ khoa học-kỹ thuật tiên tiến đầu tư vào nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bảo đảm môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo. Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã triển khai quy hoạch xây dựng 5 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp, Khu kinh tế Phú Quốc và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch; thương mại-dịch vụ; kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh,… Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh thực chất, hiệu quả,… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Để hướng tới phát triển bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có cách làm hiệu quả để dẫn dắt doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi sang sản xuất xanh; nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp chuyển đổi xanh một cách hiệu quả hơn.

Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch

Là một trong những đơn vị tiên phong đưa lồng nhựa HDPE nuôi biển tại Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc vận hành Công ty Australis Việt Nam khẳng định, Kiên Giang có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi biển. Đến nay, công ty đã hoàn thành nuôi thử nghiệm sáu lồng cá tại vùng biển huyện Kiên Hải, là dự án được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ. “Qua 1 chu kỳ thử nghiệm hai năm với 6 lồng nuôi từ thả giống đến thu hoạch cho thấy, cá phát triển rất tốt. Các thông số về môi trường, dòng chảy và khí hậu rất phù hợp với cá chẽm nuôi xuất khẩu”, ông Hoàng Ngọc Bình nhấn mạnh.

Trên bình diện chung, miền đất “chín rồng” được đánh giá khá tích cực về giảm ô nhiễm môi trường, rủi ro thiên tai, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường với điểm số trung vị PGI (Chỉ số xanh cấp tỉnh) cao thứ hai trong các vùng, miền cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ các chính sách khuyến khích đầu tư xanh còn chưa cao; doanh nghiệp được cơ quan nhà nước hướng dẫn quy định pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế đang là bài toán khá hóc búa cần sớm được giải quyết,…

Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Phạm Ngọc Thạch cho rằng, để hướng tới phát triển bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có cách làm hiệu quả để dẫn dắt doanh nghiệp ứng dụng công nghệ chuyển đổi sang sản xuất xanh; nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp chuyển đổi xanh một cách hiệu quả hơn. Các địa phương trong vùng, mỗi nơi cần thực thi tốt hơn nữa tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường nhằm cải thiện môi trường kinh doanh gắn với kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Theo LÂM NGHĨA TRINH (Nhân dân)