Ảnh do Nhà báo Trần Điền chụp lại
Đồng chí Phạm Thái Bường (tên thường gọi là Ba Bường, Ba Bình), sinh năm 1915, tại xã An Trường, huyện Càng Long, trong một gia đình lao động nghèo không có ruộng đất canh tác, mẹ mua gánh bán bưng, cha làm phu lục lộ. Năm 15 tuổi đi làm thợ hồ để kiếm sống.
Đây là thời điểm mà chủ nghĩa thực dân Pháp đã đặt ách thống trị trên toàn Đông Dương, riêng ở Nam Bộ, chúng đã xây dựng xong bộ máy hành chánh và quân sự từ tỉnh xuống đến cơ sở xã, ấp, đàn áp, bóc lột, bắn giết nhân dân ta rất thậm tệ.
Phạm Thái Bường sinh ra và lớn lên chứng kiến cảnh nghèo đói, khốn cùng của Nhân dân và gia đình. Tuy không được cắp sách đến trường, nhưng vốn tư chất thông minh và hiếu học, Phạm Thái Bường lúc còn nhỏ đã tự học tập, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, đặc biệt là của những người đảng viên cộng sản tại xã An Trường, một trong hai Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại tỉnh Trà Vinh. Đồng chí Nguyễn Văn Hai, Huyện ủy viên huyện Càng Long là người hướng dẫn giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Thái Bường.
Từ năm 1937, đồng chí Phạm Thái Bường năng nổ hoạt động cách mạng, vận động nhân dân chống thực dân Pháp tại nhiều địa phương ở huyện Càng Long và Châu Thành (Trà Vinh). Nhờ có năng khiếu diễn thuyết và nhiệt tình cách mạng, tháng 6/1938 đồng chí Phạm Thái Bường được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1939 đồng chí Phạm Thái Bường được đề cử vào Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Trà Vinh. Cuối năm 1939 tại Hội nghị Tỉnh ủy họp tại ấp Gò Cà, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long đồng chí Phạm Thái Bường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
Từ đây Phạm Thái Bường đã bộc lộ tài năng, bản lĩnh của một cán bộ lãnh đạo của Đảng chẳng những ở Trà Vinh mà cả vùng Nam Bộ.
Nếu tính từ năm 1939 đến khi đồng chí Phạm Thái Bường bị bệnh mất (tháng 01/1974) là 35 năm, trong đó có 5 năm ở tù khổ sai tại Côn Đảo.
Trong 30 năm sôi nổi hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Thái Bường được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao nhiều trọng trách:
- Năm 1939 là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
- Năm 1940 khi Tỉnh ủy Bến Tre gặp khó khăn, đồng chí Phạm Thái Bường được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đồng chí đã củng cố lại Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 tại Bến Tre, địch đàn áp khủng bố, đồng chí Phạm Thái Bường và 400 cán bộ tỉnh Bến Tre bị địch bắt kết án 10 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo.
- Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí Phạm Thái Bường được Tổ chức Đảng rước về đất liền, được phân công Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
- Tháng 10/1946 khi đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh được xứ ủy phân công đi Thái Lan mua vũ khí, đồng chí Phạm Thái Bường phụ trách Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.
- Năm 1948 đồng chí Phạm Thái Bường được bầu vào khu ủy viên khu 8, phụ trách 3 tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh - Bến Tre.
- Tháng 6/1949 được phân công Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
- Năm 1951 là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà, là phái viên Trung ương cục, vừa là phái viên Ủy ban kháng chiến Nam Bộ phụ trách 02 tỉnh Vĩnh Trà và Bến Tre.
- Năm 1954 được đề cử vào xứ ủy Nam Bộ, Bí thư liên Tỉnh ủy miền Tây.
- Năm 1959 đầu năm 1960, cuộc Đồng Khởi Nam Bộ thắng lợi lớn, đồng chí Phạm Thái Bường được phân công là Ủy viên quân sự Xứ ủy Nam Bộ được Xứ ủy và Bộ Tư lệnh miền phân công trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí cho miền Đông và Tây Nam Bộ.
- Tháng 9/1960 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần III của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Phạm Thái Bường là đại biểu chính thức của Xứ ủy Nam Bộ dự Đại hội, đắc cử Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Tháng 9/1961 là Ủy viên Trung ương cục miền Nam, Bí thư Khu ủy khu Tây Nam Bộ.
- Cuối năm 1959 được điều về Trung ương cục phụ trách thường trực Trung ương cục.
- Năm 1967 là Ủy viên Thường vụ Trung ương cục.
- Năm 1968 là Bí thư Khu ủy Khu Tây Nam Bộ.
- Năm 1972 là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 3.
- Năm 1971 - 1974 là Ủy viên Thường vụ Trung ương cục, Trưởng Ban an ninh Trung ương cục.
Sau cơn bệnh nặng, đồng chí Phạm Thái Bường từ trần ngày 29/01/1974, thọ 59 tuổi.
Suốt 35 năm liên tục hoạt động cách mạng tại chiến trường miền Nam, đồng chí Phạm Thái Bường được Đảng giao những nhiệm vụ quan trọng ở những địa bàn trọng yếu, khó khăn, phức tạp. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của người đảng viên cộng sản, người đứng đầu tổ chức Đảng ở nhiều địa phương cũng như các ngành trọng yếu của Đảng, đồng chí Phạm Thái Bường luôn chấp hành và kiên trì, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Thái Bường đã để lại những dấu son nổi bật. Có thể nêu ba dấu son lớn là:
Trước hết, đồng chí Phạm Thái Bường là một người yêu nước, xuất thân từ nông dân và tầng lớp lao động nghèo, đồng chí chứng kiến cảnh bóc lột, đàn áp, bắn giết của thực dân Pháp và tay sai, sớm giác ngộ cách mạng. Quê hương xã An Trường (Càng Long) là cái nôi cách mạng thời bấy giờ, khi được những đảng viên cộng sản giáo dục, giác ngộ giao nhiệm vụ, đồng chí rất tích cực hoạt động, vận động nhân dân ở huyện Càng Long và Châu Thành (Trà Vinh) giành nhiều thắng lợi.
Năm 1938 khi mới 22 tuổi, đồng chí đã năng nổ hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng, năm 1939 là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh, rồi Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Lúc này tình hình trong nước và thế giới đang sôi sục cách mạng, địch thẳng tay đàn áp, khủng bố, bắn giết. Trung ương cục chỉ đạo Nam Bộ chuẩn bị khởi nghĩa (1940). Đồng chí Phạm Thái Bường tích cực chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vĩnh Trà, khi tỉnh Bến Tre gặp khó khăn, đồng chí được điều động sang làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, đã nghiêm chỉnh chấp hành sang Bến Tre, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng trong một thời gian ngắn lãnh đạo cuộc khởi nghĩa (1940) gây tiếng vang lớn ở Bến Tre. Sau đó địch khủng bố, đồng chí bị bắt, bị giặc Pháp tuyên án 10 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù đồng chí móc nối tổ chức, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Hai là, đồng chí Phạm Thái Bường là người lãnh đạo tài năng, nhiều bản lĩnh, ý chí cách mạng cao, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, chấp hành mọi sự phân công của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi Cách mạng Tháng 8 giành thắng lợi (8/1945) các tỉnh Nam Bộ cùng cả nước giành được độc lập, xây dựng chính quyền cách mạng. Ngày 02/9/1945 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội. Năm 1946 đế quốc Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến ròng rã suốt 9 năm mới kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thừa nhận độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc, miền Nam lệ thuộc Mỹ, nhân dân ta phải tiếp tục kháng chiến suốt 20 năm (1954 - 1975) mới giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất cả nước. Đương đầu với cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945 - 1954) và 20 năm đánh Mỹ (1954 - 1975) là một thử thách vô cùng lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân miền Nam nói riêng.
Đồng chí Phạm Thái Bường là một đảng viên Cộng sản được phân công ở lại miền Nam suốt thời gian dài ấy, nhất là ở chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Là người đứng đầu của Tỉnh ủy Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Trà, liên Tỉnh ủy miền Tây, Bí thư Khu ủy Khu 9, Ủy viên Thường vụ Khu 8, thường trực Trung ương cục miền Nam... Đồng chí Phạm Thái Bường luôn tin và dựa vào dân, tập hợp đoàn kết toàn dân, đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa, bám chắc địa bàn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi. Khi giặc Pháp bằng nhiều thủ đoạn gây hận thù, chia rẽ Khmer - Việt, đồng chí đã chỉ thị các Đảng bộ và nhân dân phải hết lòng đoàn kết toàn dân, đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa, cấm trả thù trả oán.
Năm 1954, khi Nam Bộ chủ trương lấy ruộng đất địa chủ cấp cho nông dân, đồng chí Phạm Thái Bường chỉ đạo cụ thể cấp đất như nhau, không phân biệt Kinh - Khmer - Hoa và cả gia đình binh sĩ Ngụy... mà đồng chí Lê Duẩn, Bí thư xứ ủy Nam Bộ đánh giá, đó là “bùa hộ mệnh” bảo vệ cán bộ, đảng viên bám trụ ở lại miền Nam - Việt Nam.
Ba là, với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương cục miền Nam phụ trách quân sự, công an, đồng chí Phạm Thái Bường được Trung ương cục giao nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường Hồ Chí Minh trên biển để vận chuyển vũ khí, khí tài quân sự cho chiến trường miền Nam. Đầu tháng 3/1962, đồng chí Phạm Thái Bường tổ chức cuộc họp tại chiến khu D (Đồng Nai) bàn việc triển khai mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Về dự hội nghị này có trên 70 đại biểu, trong đó có mời các đồng chí có nhiều kinh nghiệm mở đường trên biển xuyên Tây như đồng chí Dương Quang Đông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh… trong kháng chiến chống Pháp đã tổ chức mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ Thái Lan, Campuchia đem về chiến trường Nam Bộ, mời đại biểu lãnh đạo, chỉ huy của Quân khu 7, Quân khu 8 (cũ), Quân khu 9, chỉ huy quân sự các tỉnh ven biển trên địa bàn thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ.
Tại cuộc họp, đồng chí Phạm Thái Bường nói: “Thay mặt cho Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền, hôm nay tôi cho mời các đồng chí tới đây là để bàn bạc và thống nhất nhiệm vụ và kế hoạch mở đường Hồ Chí Minh trên biển theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng để tiếp nhận hàng cho chiến trường Nam Bộ. Nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề, chúng ta phải bàn để quyết tâm hoàn thành nhanh nhất, sớm nhất, có hiệu quả cao nhất nhiệm vụ vẻ vang của Trung ương Đảng giao cho. Sau đây tôi muốn được nghe nhiều ý kiến phát biểu của các đồng chí. Đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận và làm rõ các biện pháp tiến hành, dự kiến nhiệm vụ đề xuất kế hoạch triển khai của từng lực lượng, từng địa bàn… (Tư liệu: Đại tá, TS. Nguyễn Văn Quang, nguyên Trưởng Phòng Khoa học Viện lịch sử Quân sự Việt Nam). Hội nghị thảo luận, nhất trí, bàn biện pháp phân công thực hiện.
Như vậy đồng chí Phạm Thái Bường được Trung ương Cục phân công chỉ đạo tổ chức thực hiện việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tổ chức mở bến bãi tiếp nhận vũ khí tại Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre… tổ chức bảo vệ, vận chuyển hàng viện trợ của Trung ương cho các chiến trường thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ an toàn trong 4 năm (từ 1962 đến 1965). Đến tháng 5/1965 khi Đoàn 962 của Quân khu 9 và Đoàn 759 được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Hải Quân trực tiếp và điều hành, thì đồng chí Phạm Thái Bường được Trung ương Cục điều sang nhận nhiệm vụ mới. Từ năm 1962, nhất là các năm 1963, 1964 khi đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển thành công hàng chục ngàn tấn vũ khí, trang thiết bị quân sự cho các chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ thì phong trào chống dịch càn quét, các trận đánh chủ động tiêu diệt địch của lực lượng vũ trang cách mạng diễn ra đồng loạt và sôi nổi khắp nơi góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - Ngụy tại Nam Bộ.
Đó là những dấu son tươi thắm mà đồng chí Phạm Thái Bường đã tô điểm vào lịch sử truyền thống cách mạng Việt Nam nói chung và cho Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và Trà Vinh nói riêng được rực rỡ mà vừa qua chúng ta chưa đủ tài liệu làm sáng tỏ.
Năm 2024, đồng chí Phạm Thái Bường mất vừa tròn 50 năm (2024 - 1974) , Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học mong làm rõ những mốc son chói lọi mà đồng chí Phạm Thái Bường đã để lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Xin chúc mừng cuộc Hội thảo thành công tốt đẹp!
Xuân Giáp Thìn 2024
BÙI QUANG HUY
(Nguyên UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh)
Theo Báo Trà Vinh