Động lực mới cho tăng trưởng và hình thành công dân số

10/10/2024 - 15:38

“Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động” là chủ đề Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024. Nhìn tổng quan cho thấy, các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đang bám sát chủ đề lớn này.

Với sự quan tâm và tập trung đầu tư, Hậu Giang đạt những kết quả tích cực về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Thiết kế: BẢO NAM

Hạ tầng số được đầu tư, hướng đến mục tiêu hình thành công dân số

Tại Nhà văn hóa khu vực 1, phường I, thành phố Vị Thanh, bà Nguyễn Thị Kim Linh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực 1, cho biết: “Từ khi nhà văn hóa được lắp wifi không chỉ hỗ trợ cho cán bộ phụ trách khu vực thực hiện công việc chuyên môn thuận lợi hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Gắn mục tiêu chuyển đổi số, việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài app Hậu Giang, tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến hay nộp dịch vụ công trực tuyến… tại nhà văn hóa dễ dàng hơn”. 

Hệ thống wifi miễn phí được lắp đặt tại nhà văn hóa giúp cho địa phương tổ chức tốt các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Khi đến họp hay học tập tại đây, cán bộ và người dân có thể truy cập internet để tra cứu các văn bản pháp luật của nhà nước, các kiến thức khoa học để phục vụ sản xuất. Nhằm giảm tải số lượng người dân đến làm thủ tục hành chính tại “Một cửa” UBND phường I, từ giữa năm 2023 nhà văn hóa khu vực 1 còn được chọn thí điểm thực hiện mô hình tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại nhà văn hóa.

Không riêng gì các nhà văn hóa ấp, khu vực trên địa bàn thành phố Vị Thanh, phần lớn các nhà văn hóa ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều được lắp đặt wifi, mật khẩu được chia sẻ, bố trí nơi dễ nhìn thấy. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tương tác với trang thông tin điện tử của địa phương…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin tại hội nghị mới đây: Tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng số, trong đó ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân trên địa bàn; phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G; phổ cập internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh; đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc.

Mục tiêu đến 2025, tỷ lệ ấp, khu vực tại tỉnh được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet đạt 90%. 100% hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ ứng dụng IoT (khi có nhu cầu). 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.

Tỉnh sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Người dân và doanh nghiệp là chủ thể để phát triển kinh tế số

Chụp ảnh các mặt hoa súng của từng giống, sau đó đăng tải lên trang Facebook cá nhân công việc thường xuyên của chị Trần Thị Sánh, chủ hồ súng Lê Sánh, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A. Tận dụng lợi thế của công nghệ, từ năm 2018, chị đã bắt đầu kinh doanh online, lúc đầu chỉ bán hoa kiểng và hoa hồng, đến năm 2023 chị chính thức chuyển sang bán hoa súng.

Chị Sánh chia sẻ: “Kinh doanh online giúp mình chủ động được thời gian, lượng khách hàng phong phú, đỡ tốn chi phí quảng cáo. Hoa súng của gia đình được đăng bán chủ yếu trên trang Facebook, Zalo, YouTube và TikTok. Trung bình mỗi tháng số lượng đơn đặt hàng khách mua hoa súng của vườn từ 100-400 đơn sỉ, lẻ. Từ việc kinh doanh online gia đình có nguồn thu nhập khá ổn định”. Kinh doanh online, khi khách hàng có nhu cầu mua hoa súng của chị Sánh chỉ cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin trên trang cá nhân, cây giống sẽ được gửi đến tận nhà. 

Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của địa phương, các tổ công nghệ số cộng đồng nhiều người dân đã tận dụng khá thành công nền tảng của công nghệ phát triển kinh tế. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, năm 2023 tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, với diện tích hơn 28,5ha. Khu được thành lập với nhiều chính sách ưu đãi, hiện thu hút 9 nhà đầu tư, trong đó có một doanh nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động với 300 lao động đang làm việc.

Ông Frank Schellenberg, Nhà sáng lập và Chủ tịch DIGI-TEXX, doanh nghiệp đầu tiên chính thức hoạt động tại Khu Công nghệ số, chia sẻ: “Với hạ tầng kỹ thuật số và giao thông ngày càng hoàn thiện, các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang khi đã có những chính sách đột phá, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số”.

Dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, nhưng Hậu Giang xác định công nghệ sẽ là mục tiêu đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505 lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.

Theo MỸ XUYÊN (Báo Hậu Giang)