Đồng Tháp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc tiếp công dân

06/11/2023 - 14:53

Những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh gắn Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14 ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND tỉnh xác định công tác tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt quan tâm giải quyết các khiếu nại đông người, kéo dài, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về tiếp công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân trên địa bàn tỉnh

Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2023, cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp công dân tổng cộng gần 13.500 lượt, với 14.451 người. Cụ thể: tiếp công dân thường xuyên hơn 10.400 lượt, với 11.184 người; tiếp công dân định kỳ và đột xuất là 3.046 lượt, với 3.267 người. Riêng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân, tổ chức, doanh nghiệp thường xuyên, định kỳ và đột xuất được 67 lượt. Tổng số đơn đã xử lý 4.039 đơn, trong đó có 1.232 đơn khiếu nại, 30 đơn tố cáo, phản ánh và 2.777 đơn kiến nghị... Tất cả các đơn đều được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, cá nhân được cán bộ, công chức phụ trách tiếp dân mở sổ theo dõi thường xuyên, sổ tiếp dân được thực hiện theo quy định. Việc tiếp công dân và giải thích, hướng dẫn, trả lời công dân có khiếu nại, kiến nghị, phản ánh cơ bản đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và công chức được phân công phụ trách tiếp công dân thường xuyên được thực hiện đúng trách nhiệm theo thẩm quyền; thái độ tiếp công dân lịch sự, nhiệt tình lắng nghe và hướng dẫn công dân thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về quy trình tiếp công dân.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Tiếp công dân. Việc bố trí trụ sở, địa điểm, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân. Trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh được xây dựng riêng, địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sự, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi. Đồng thời, UBND cấp huyện thành lập Ban Tiếp công dân thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND các huyện, thành phố; bố trí cơ cấu, tổ chức thực hiện theo đúng quy định. UBND cấp xã phân công công chức có kinh nghiệm, năng lực và các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cho việc tiếp dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất”.

UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Từ đó, kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước về công tác tiếp công dân. Các sở, ngành tỉnh và UBND các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị đều gắn với vai trò, trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cho người tiếp công dân tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi tiếp công dân được thực hiện đảm bảo đúng các quy định pháp luật về tiếp công dân.

Qua tiếp xúc, đối thoại với công dân giúp cơ quan hành chính đánh giá được những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể. Những vụ việc khiếu nại nhiều lần, qua đối thoại giải thích, vận động, thuyết phục để người dân hiểu rõ chính sách, pháp luật và đồng thuận, chấm dứt khiếu nại. Nhờ thực hiện tốt công tác tiếp công dân, nên nhiều trường hợp người khiếu nại đã tự nguyện rút đơn như vụ khiếu nại của ông Nguyễn Minh Nhựt và ông Lê Văn Tuấn cùng ngụ xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh khiếu nại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; vụ khiếu nại của bà Phạm Thị Ngọc Minh ngụ xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng... góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Theo DŨNG CHINH (Báo Đồng Tháp)