Nhờ sản xuất xoài theo hướng hữu cơ nên toàn bộ sản lượng xoài của ông Lê Thanh Tùng đều được doanh nghiệp bao tiêu
Khoảng năm 2017, khi được ngành nông nghiệp TP.Cao Lãnh vận động sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến đến sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm có nguồn xoài nguyên liệu chất lượng cung cấp cho doanh nghiệp, ông Lê Thanh Tùng đã mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn. Ông Lê Thanh Tùng tâm sự: “Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang ngày một khắt khe thì sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải tuân thủ các quy chuẩn về sản xuất an toàn, sản phẩm phải chứng nhận và truy xuất nguồn gốc mới có thể bán được. Nếu nông dân làm theo kiểu xuề xòa, qua loa thì khách hàng cũng không đoái hoài đến sản phẩm của mình. Chính những suy nghĩ này đã thôi thúc tôi thay đổi. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP năm 2017 với tổng diện tích 1,2ha, sang năm 2018, tôi bắt đầu nâng cấp lên một bậc nữa là sản xuất theo hướng hữu cơ, từ đây doanh nghiệp bắt đầu để ý đến vườn xoài nhà tôi và bắt tay liên kết”.
Từ sự đột phá của mình, năm 2018, Cơ sở sản xuất kinh doanh đóng gói, chế biến nông sản Song Nhi (phường 6, TP.Cao Lãnh) bắt đầu tìm đến vườn xoài của ông Tùng và ngỏ ý bao tiêu toàn bộ sản lượng. Sau khi vượt qua các “bài kiểm tra” chất lượng trái khắt khe, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng với ông Tùng với mức giá cố định là 24.000 đồng/kg (xoài cát chu). Với nhiều nhà vườn, đây là mức giá mơ ước, bởi theo nhiều nhà vườn, xoài cát chu giá cố định khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg thì nhà vườn đã có lãi.
Ngoài bán được giá, không còn bận tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Tùng có nhiều thời gian hơn để đầu tư cho mảnh vườn của mình. Hiện tại, ông Tùng chuẩn bị chỉnh trang lại một số hạng mục trong vườn để chuyển sang phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Tùng cho biết: “Sau khi tham gia sinh hoạt ở Thuận Tân Hội quán, rồi được chính quyền vận động làm du lịch, tôi cũng ham lắm nhưng lúc đó không dám làm. Vì trước đây, mình cũng còn làm theo truyền thống, trong vườn vẫn còn phun xịt thuốc hóa học nên rất ngại làm du lịch. Còn bây giờ khác rồi, trồng xoài theo hướng hữu cơ thì không khí trong vườn rất trong lành, vì vậy tôi mới dự kiến phát triển thêm mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Ngoài việc để du khách khám phá quy trình làm xoài theo hướng hữu cơ, tôi còn muốn du khách được thưởng thức xoài ngon ở vùng quê Tân Thuận Tây này”.
Từ thành công của nhà vườn Lê Thanh Tùng, năm 2019, Thuận Tân Hội quán tiếp tục vận động bà con nhà vườn mở rộng thêm diện tích sản xuất xoài theo hướng VietGAP và có ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua. Hiện tại, Hội quán đã vận động được 20 nhà vườn tham gia vào chuỗi liên kết này, diện tích liên kết với doanh nghiệp khoảng 15ha.
Ông Võ Văn Lợi - Chủ nhiệm Thuận Tân Hội quán cho biết: “Thực hiện sản xuất xoài có kiểm soát chất lượng và có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra là một hướng đi hiệu quả mà chính quyền địa phương cũng như Hội quán mong muốn được nhân rộng. Tuy nhiên, để nhà vườn và doanh nghiệp có mối gắn kết bền chặt, chúng tôi đang thực hiện từng bước một. Một trong những cái khó hiện nay khi thực hiện chuỗi liên kết chính là tạo được sự kết nối bền chặt và tin tưởng lẫn nhau giữa nông dân và doanh nghiệp. Đâu đó trong hội viên vẫn còn dao động trước làn sóng của giá cả thị trường. Song Hội quán xác định, chỉ có sản xuất theo chuỗi liên kết thì quyền lợi của người nông dân mới được đảm bảo nhất, do đó thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ, nội dung này được Hội quán quan tâm và tuyên truyền xuyên suốt”.
Theo MỸ LÝ (Báo Đồng Tháp)