Đồng Tháp: Đô thị vùng biên ngày càng khởi sắc

09/05/2023 - 14:34

Đến với TP Hồng Ngự, nhiều người cảm nhận sự đổi thay mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa nhanh, bền vững của thành phố vùng biên. Trong nội ô thành phố, những công trình kiến trúc hài hòa, đời sống người dân được nâng lên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại.

Một góc nội ô TP Hồng Ngự (Ảnh: CTV)

Chú trọng phát triển hạ tầng đô thị

Các cấp, ngành trên địa bàn TP Hồng Ngự triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 02 ngày 9/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát triển đô thị TP Hồng Ngự đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết số 02) theo thang điểm tiêu chí đô thị loại II.

UBND TP Hồng Ngự, các ngành, UBND các xã, phường tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch, đề án, chương trình phù hợp tình hình thực tế và xu hướng phát triển theo tiêu chí tiếp cận đô thị loại II. Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02, về cơ bản, thành phố đã hoàn thành Đề án công nhận đô thị loại III, Đề án công nhận TP Hồng Ngự trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, sau khi điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố được phê duyệt, sẽ tiến hành điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị TP Hồng Ngự đến năm 2030.

TP Hồng Ngự quy hoạch phân khu trung tâm Thương mại dịch vụ - cửa khẩu Mộc Rá, xã Tân Hội với quy mô 50,58ha; điều chỉnh quy hoạch chi tiết chỉnh trang đô thị Khu đô thị An Thạnh và tuyến dân cư Tân Thành - Lò Gạch thuộc phường An Thạnh; quy hoạch chi tiết khu tái định cư An Lạc, khu tái định cư An Lạc (khu 2), điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết cụm dân cư trung tâm An Lạc (phường An Lạc) với chức năng phục vụ lĩnh vực thương mại dịch vụ. Đồng thời đã lấy ý kiến các tổ chức, cộng đồng dân cư về Đồ án quy hoạch đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Hải ngụ Khóm 1, phường An Bình B, TP Hồng Ngự, cho biết: “Dù không phải là quê cha đất tổ, nhưng gia đình tôi sống ở xã An Bình B (hiện nay là phường An Bình B) hàng chục năm rồi. Trước đây, điều kiện đi lại rất khó khăn, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, chính quyền thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông đảm bảo xe 4 bánh đi thông suốt. Đặc biệt, TX Hồng Ngự được lên thành phố, xã An Bình B được lên thành phường như ngày hôm nay, tôi và nhiều người dân địa phương vô cùng phấn khởi trước sự phát triển của TP Hồng Ngự”.

Dự án kè trên địa bàn Phường An Lộc, TP Hồng Ngự được hoàn thành và đưa vào sử dụng (Ảnh: D.C)

Trong phát triển hạ tầng đô thị, TP Hồng Ngự đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông như: thảm bê tông nhựa nóng 52 tuyến đường với chiều dài 27,375km, diện tích thảm bê tông nhựa 215.754m2 và lát gạch vỉa hè các tuyến đường với diện tích lát gạch vỉa hè 39.935m2 và một số công trình khác với tổng kinh phí hơn 151 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương đã và đang thực hiện nhiều công trình trọng điểm như: Hạ tầng Dự án Nâng cấp đường ĐT 841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2; nâng cấp đường ĐT 842; cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án tái định cư phường An Lạc; đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Nguyễn Tất Thành - An Lộc và đường Võ Nguyên Giáp - An Lộc; chỉnh trang đô thị khu đô thị An Thạnh; dự án tái định cư phường An Lộc; khu tái định cư An Lạc (khu 2)...

Chăm lo đời sống người dân

TP Hồng Ngự từng bước sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan của thành phố và xã, phường đảm bảo đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo quy định và có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác. Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành giờ làm việc hành chính nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thành phố triển khai thực hiện tốt cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Đặc biệt, thông qua các mô hình: Cà phê Doanh nhân - Doanh nghiệp; chương trình chính quyền đối thoại cùng Nhân dân trên sóng phát thanh; việc gửi “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn”, “Thư xin lỗi” đến người dân, doanh nghiệp... góp phần giải quyết nhanh, đúng hẹn liên quan đến các thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu.

Đô thị TP Hồng Ngự về đêm

Riêng các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân phản ánh thông qua Tổng đài thông tin Dịch vụ công 1022 của tỉnh được lãnh đạo thành phố quan tâm giải đáp hoặc chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương giải quyết, chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, TP Hồng Ngự cũng tiếp nhận thông tin phản ánh qua ứng dụng TPHN Smart (sử dụng qua việc cài đặt ứng dụng TPHN Smart lên thiết bị di động), nếu có nhu cầu được giải đáp hoặc phản ánh, kiến nghị, đề xuất đến cơ quan chức năng giải quyết thì đăng phản ánh lên ứng dụng TPHN Smart, bộ phận quản trị căn cứ vào nội dung lĩnh vực của phản ánh để chuyển cho ngành, địa phương tương ứng trả lời, câu trả lời sẽ được phản hồi trên thiết bị của người dân và trên trang thông tin phản ánh hiện trường của thành phố (https://dt-hong-ngu.vts-paht.com) để người dân dễ dàng tra cứu xem. Đến nay, đã có 9.493 tài khoản công dân cài đặt, sử dụng; có 102 phản ánh đều được trả lời đúng hạn, đáp ứng được yêu cầu của người dân...

Trong 2 năm (2021 và 2022), TP Hồng Ngự đã triển khai đầu tư xây dựng 100 phòng học và 118 phòng chức năng cho các điểm trường trên địa bàn với tổng kinh phí khoảng 274 tỷ đồng. Ngoài ra, mua sắm bàn ghế học sinh, trang thiết bị phục vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Năm 2022, thành phố có thêm 2 trường Tiểu học (Trường Tiểu học An Thạnh 2 và Trường Tiểu học An Thạnh 3) đạt chuẩn Quốc gia từ mức độ 1 lên mức độ 2. Riêng Trường Tiểu học Tân Hội đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 (tương đương chuẩn Quốc gia mức độ 2). Tính đến nay, TP Hồng Ngự có 20/28 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Trường Tiểu học An Thạnh 2 (phường An Thạnh, TP Hồng Ngự) đạt chuẩn Quốc gia

Các cấp, ngành của thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống cho các gia đình có công cách mạng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đảm bảo đạt chỉ tiêu trên giao hàng năm. Kết quả qua 2 năm (2021, 2022), thành phố có 182 lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài. Thành phố đã giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 760 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Kết quả thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 thành phố còn 636 hộ nghèo (giảm 460 hộ), 929 hộ cận nghèo (giảm 280 hộ) theo chuẩn nghèo được tính hiện nay.

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực y tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập các cơ sở y tế ngoài công lập. Đặc biệt, Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa Hồng Ngự đã chính thức tiếp nhận khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kể từ ngày 1/11/2020 (hiện nay đã được chuyển giao cho Bệnh viện Tâm Trí), góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và giảm áp lực quá tải cho hệ thống bệnh viện tuyến trên. Đến nay, TP Hồng Ngự có 12 cơ sở thương mại dịch vụ đang hoạt động. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hình thức bán hàng online kết hợp bán hàng tại chỗ, đảm bảo cung ứng đủ phục vụ sức mua của người dân. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề trên địa bàn thành phố đều hoạt động trở lại bình thường sau thời gian dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Hiện tại, TP Hồng Ngự đang thực hiện thủ tục bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để đầu tư siêu thị Go! (Big C) tại khu vực chợ An Lạc.

Chính nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành của thành phố, nổi bật là công tác xúc tiến mời gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Qua đó, góp phần đưa TP Hồng Ngự trở thành đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực biên giới của tỉnh, nơi kết nối giao thương, đối ngoại giữa Việt Nam với Vương quốc Campuchia.

Theo DŨNG CHINH (Báo Đồng Tháp)