Đồng Tháp: Huyện Lai Vung quan tâm phát triển các làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn

09/03/2023 - 08:56

Toàn huyện Lai Vung có 7 làng nghề, trong đó làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Qua đó, huyện Lai Vung luôn quan tâm bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương, nhất là việc khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề phát triển sản xuất, tích cực tham gia chương trình OCOP, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

A A

Người dân tại xã Long Hậu (huyện Lai Vung) chuyển sang làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuồng, ghe thu nhỏ cung cấp cho khách tham quan

UBND huyện Lai Vung đã xây dựng kế hoạch tập trung khai thác lĩnh vực du lịch cộng đồng gắn với các giá trị lịch sử văn hóa, nhất là chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống gắn với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn. Điển hình như nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu (huyện Lai Vung) đã tồn tại hàng trăm năm. Làng nghề này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tiếp tục phát huy các giá trị quý báu của các làng nghề, huyện Lai Vung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đối với làng nghề đóng xuồng, ghe như: hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của các cơ sở sản xuất trong làng nghề; khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các giải pháp, mô hình cải tiến công nghệ sản xuất, quy trình, nguyên vật liệu, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, xuất hiện một số hộ dân, cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất xuồng, ghe thu nhỏ làm quà tặng cung cấp cho khách tham quan làng nghề và theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước.

Cũng như làng nghề đóng xuồng, ghe; làng nghề đan lờ, lọp thường hoạt động theo mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nguyên liệu tại địa phương. Nghề đan lờ, lọp tập trung nhiều ở xã Hòa Long. Các hộ sản xuất và sản phẩm của làng nghề tiêu thụ tập trung thời điểm nước lũ hàng năm. Ông Phan Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết địa phương đang khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp, mô hình cải tiến công nghệ sản xuất, quy trình, nguyên vật liệu, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là nhiều hộ dân chuyển sang sản xuất các vật dụng sinh hoạt thủ công mỹ nghệ bằng tre thu nhỏ phục vụ nhu cầu của khách tham quan.

Tương tự, làng nghề đan cần xé phát triển tập trung ở 2 ấp Tân An và Tân Khánh của xã Tân Thành với hơn 200 lao động theo nghề. Huyện Lai Vung đang khuyến khích thực hiện đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài sản xuất sản phẩm truyền thống của làng nghề là cần xé, các hộ còn sản xuất một số sản phẩm mới như: vĩ phơi bột, phơi bánh tráng... để cung cấp cho các cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện. Nhìn chung, liên quan hoạt động của các làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn huyện hiện nay là triển khai thực hiện các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với các làng nghề, các nghề truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khôi phục, duy trì và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống tại địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới...

Đối với những làng nghề phát triển mạnh trên địa bàn huyện Lai Vung như: làm nem, trồng hoa giấy... Địa phương sẽ khuyến khích nhân rộng làng nghề ra các vùng lân cận, nhất là hỗ trợ phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị thẩm mỹ, chất lượng của sản phẩm nhưng vẫn giữ được giá trị nghệ thuật và giá trị truyền thống của sản phẩm.

Theo Báo Đồng Tháp