Anh Đào Nguyên Quang Kiệt với sản phẩm từ tre độc đáo của mình
Sống ở nông thôn, anh Đào Nguyên Quang Kiệt rất quen thuộc các vật dụng chân quê từ tre được làm thủ công để sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như: đũa, ống đũa, thúng, muỗng... Sau khi tốt nghiệp ngành điện - điện tử, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, anh Kiệt đã trải qua nhiều công việc. Nhưng trong một lần đi thực tế ở Tây Nguyên, anh bắt gặp nhiều sản phẩm của người dân tộc thiểu số làm bằng tre rất độc đáo. Từ ấy, trong đầu anh luôn suy nghĩ ý tưởng làm sản phẩm mỹ nghệ, quà tặng từ tre. “Thực tế, để khởi sự lập nghiệp với một sản phẩm phải thực sự am hiểu và có kiến thức, bí quyết nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao để trụ vững trước thị trường đầy cạnh tranh. Suy ngẫm nhiều lần, tôi quyết định gắn bó với cây tre” - anh Kiệt nhớ lại.
Năm 2006, anh Đào Nguyên Quang Kiệt đã quyết định bỏ việc làm ổn định để trở về quê hương thỏa niềm đam mê với sản phẩm từ tre. Song, điều đầu tiên anh Kiệt vướng phải là khó khăn về nguồn vốn để khởi nghiệp. “Khởi đầu với số vốn vỏn vẹn 150.000 đồng, tôi chỉ mua được một chiếc máy mài cũ để gia công sản phẩm. Cơ sở vật chất chủ yếu sử dụng những vật dụng có sẵn của gia đình. Thời điểm này, chủ yếu tôi chỉ gia công những sản phẩm đồ dùng thiết yếu trong gia đình, quà tặng nhỏ... theo đơn đặt hàng của nhiều người quen trong xã, huyện” - anh Kiệt cho biết.
Khởi đầu với số vốn ít ỏi, việc duy trì niềm đam mê với anh Kiệt có phần vất vả. Anh quyết định làm thêm những việc khác để đảm bảo chi phí sản xuất. Thế là, ban ngày, anh đi làm thêm, tối về lại mày mò làm sản phẩm cho khách. Anh Kiệt cũng luôn tích lũy thêm các kiến thức từ sách, báo, Internet để nâng cao tay nghề.
Sau hơn 7 năm miệt mài, đến năm 2013, anh Kiệt đã có một số vốn để mở rộng quy mô sản xuất với nhiều máy móc phù hợp. Từ sự đam mê sáng tạo, sản phẩm của anh Kiệt được nhiều người biết đến nên đơn đặt hàng cứ thế tăng lên.
Khi ổn định được lượng khách hàng và nguồn vốn, anh Kiệt quyết định tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để có quy trình tạo ra sản phẩm khép kín, công nghệ sản xuất tiên tiến, không gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường.
Sau khi làm các sản phẩm, vật dụng, quà tặng nhỏ đã ổn định lượng khách, anh Kiệt phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm như: đồ dùng dạy học, đồ chơi gỗ, quà tặng du lịch, đồ nội thất, dịch vụ quán ăn, nhà hàng...
Theo anh Kiệt, cây tre có nhiều dòng nên có nhiều lựa chọn để sản xuất. Tuổi của cây tre cũng quan trọng cho từng sản phẩm. Anh còn chủ động nhập tre từ các nơi khác để đa dạng hóa sản phẩm như: tre bông ở An Giang, luồng đá ở Thanh Hóa, trúc nẽng Lào Cai... để sản xuất sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Các sản phẩm từ tre của anh Đào Nguyên Quang Kiệt mang nét đặc trưng riêng. Ảnh: N.K
Hiện nay, nhu cầu của thị trường với sản phẩm nội thất từ tre khá nhiều. Vì vậy, ngoài phục vụ các sản phẩm quà tặng, đồ dùng, anh Kiệt còn nhận gia công, thiết kế các sản phẩm bàn ghế, giường, tủ, nội thất phòng ngủ, quán cà phê hay trang bị nội thất cho nhà ở thương mại. Từ ban đầu chỉ làm vài sản phẩm nhỏ, đến nay, mỗi tháng, Cơ sở tre, gỗ Cường Thịnh đã nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng lớn nhỏ. Hơn thế, anh còn nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu sản phẩm sang các nước như: Canada, Nhật Bản, Ý.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Đào Nguyên Quang Kiệt còn tạo việc làm ổn định 5 công nhân và khoảng 50 người nhận hàng về gia công tại địa phương.
Theo anh Đào Nguyên Quang Kiệt, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát triển lên mô hình công ty, đa dạng hóa sản phẩm; liên kết nhiều vùng nguyên liệu. Đồng thời áp dụng các quy trình hiện đại trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu, bảo vệ kiểu dáng công nghiệp; duy trì các giá trị xanh trong sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường; đề xuất các cấp, ngành liên quan hỗ trợ trong việc tìm đất để trồng bảo tồn và khai thác, luân canh nguyên liệu tre tại địa phương.
Theo KHÁNH PHAN (Báo Đồng Tháp)