Tham dự hội thảo có đại diện các sở, các địa phương, doanh nghiệp (DN) và trên 70 đại biểu đại diện cho các hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi hội thảo
Theo Sở NN&PTNT, lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được tỉnh chọn thực hiện trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản lượng lúa hàng năm khoảng 3,3 triệu tấn. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, quy trình canh tác mới vào sản xuất, có nhiều DN đầu tư công nghệ chế biến sau gạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần nhìn nhận và khắc phục nhằm phù hợp với xu thế sản xuất mới như: thất thoát trong khâu thu hoạch khoảng 10-15%, liên kết giữa DN và người sản xuất chưa cao, các khâu chế biến còn yếu...
Để ngành lúa gạo tỉnh nhà phát triển, ngoài việc đẩy mạnh cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học và bà con nông dân có tư duy sản xuất mới. Từ thực trạng trên, qua chia sẻ của các diễn giả, sự kết nối tốt giữa các DN và nông dân giúp tỉnh đề ra các giải pháp phát triển nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ về đổi mới công nghệ thiết bị và quản lý sau thu hoạch để nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam. Trong đó, tập trung vào việc thay đổi công nghệ sấy, khai thác tiềm năng từ phụ phẩm vỏ trấu; công nghệ chế biến các sản phẩm từ gạo; tình hình các giống lúa phục vụ sản xuất, xuất khẩu và các giải pháp ứng phó hạn, mặn.
Hướng đến sản xuất bền vững, đảm bảo nâng cao thu nhập của nông dân, diễn giả còn chia sẻ về “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo”. Tiêu chuẩn tối thiểu mà chuỗi giá trị cần có là DN phải sở hữu đầu ra sản phẩm OCOP của một vùng. Nhà nước, địa phương sẽ tổ chức kết nối hợp tác xã nông nghiệp với DN có đầu ra ổn định.
Các diễn giả cũng giải đáp thắc mắc của nông dân liên quan đến việc sử dụng các giống lúa được phép gieo sạ, đảm bảo chất lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của DN; chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp ngành hàng lúa gạo...
Theo ông Võ Thành Ngoan- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều chủ trương nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết các nhà trong thực hiện chuỗi giá trị.
Để phát triển ngành hàng lúa gạo, các địa phương cần hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung. Đối với công tác sau thu hoạch, cần mở rộng liên kết tiêu thụ, phát triển khâu sơ chế, chế biến các sản phẩm từ gạo, đặc biệt chế biến phụ phẩm, xây dựng thương hiệu.
Theo Báo Đồng Tháp