Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất mứt vỏ trái cây sấy tại Công ty Ngọc Phụng. Ảnh: Mỹ Lý
Để chương trình triển khai có hiệu quả, từ năm 2016 đến nay, Sở Công Thương đã có những hoạt động triển khai thực hiện SXSH đến các DN trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, đơn vị còn đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu xây dựng mô hình trình diễn, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất giúp DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào; giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Kết quả, đến nay, Sở đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ, tư vấn cho 267 DN, cơ sở thực hiện các nội dung về SXSH với tổng kinh phí hỗ trợ gần 17 tỷ đồng. Riêng về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, máy móc thiết bị tiên tiến, từ nguồn kinh phí khuyến công giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ 27 DN/cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu thực hiện mô hình trình diễn, máy móc với tổng kinh phí 4,9 tỷ đồng.
Từ công tác tuyên truyền, tư vấn đã giúp các DN hiểu rõ được SXSH, qua đó, áp dụng vào sản xuất hộ gia đình và mang lại hiệu quả cao... Đại diện Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu GOLDNUTS (ấp Hòa Hiệp, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) cho biết, sau khi đầu tư máy chiên chân không, máy sấy tiên tiến đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm đồng đều, mẫu mã đa dạng... Từ đó, sản phẩm ra thị trường sẽ đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng và hướng đến việc xuất khẩu qua các nước Campuchia, Trung Quốc, Đài Loan... Việc áp dụng SXSH còn tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Giải quyết việc làm cho lao động và đóng góp ngân sách địa phương.
Kể từ khi Công ty TNHH thực phẩm Ngọc Phụng (xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh) được hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất mứt vỏ trái cây sấy, hiệu quả mang lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị khá rõ. Lãnh đạo công ty cho biết, từ khi đầu tư máy móc thiết bị (máy sấy bơm nhiệt lạnh (Model: DL-RB 6P) công suất sản xuất 300 - 400kg vỏ trái cây tươi; thời gian sấy 4 - 4,5 giờ/mẻ, mỗi mẻ sấy từ 150 - 200kg sản phẩm) đã giúp công ty nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, khi công ty sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho nhà vườn từ việc tiêu thụ trái cây nhiều hơn...
Hiệu quả của việc áp dụng SXSH thời gian qua đã thấy rõ, tuy nhiên theo Sở Công thương, hiện nay số lượng các DN đầu tư vào SXSH còn khá hạn chế. Nguyên nhân là do các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu chưa chú trọng áp dụng các giải pháp SXSH; việc đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho các bộ phận phụ trách kỹ thuật, quản lý vận hành SXSH tại các đơn vị cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do cơ chế hỗ trợ cho các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều hạn chế. Nguyên nhân là vì các cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu là các DN nhỏ, rất nhỏ và hộ cá thể, cơ sở khởi nghiệp với nguồn lực và năng lực còn hạn chế, thường thiếu vốn đối ứng.
Theo Sở Công Thương, định hướng của tỉnh trong thời gian tới sẽ đưa SXSH áp dụng rộng rãi ở các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, từng bước hướng đến sự phát triển ngành công nghiệp bền vững. Do đó, để đạt được mục tiêu này, sắp tới ngoài việc hỗ trợ cho DN, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho DN, cộng đồng về SXSH để thúc đẩy DN mở rộng sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN, cơ sở áp dụng SXSH vào sản xuất...
Theo M.N (Báo Đồng Tháp)