Chế biến thủy sản xuất khẩu được xem là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp tỉnh
Qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển cơ bản ổn định, theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, đi vào chiều sâu, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực tăng trưởng tốt. Công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm 98,43% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và đóng góp 8,12% GRDP. Hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp được đầu tư phát triển, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất. Doanh nghiệp không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ nguyên liệu nông sản của địa phương. Tuy nhiên, tiềm lực hấp dẫn để thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, vốn đầu tư công bố trí cho lĩnh vực công nghiệp còn thấp, tỷ lệ lấp đầy thực tế trong các khu và cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Tỉnh xác định phát triển công nghiệp là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP tại địa phương, nhất là phát triển công nghiệp chế biến rau củ quả, công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo là mũi đột phá. Đồng thời tiếp tục giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế và tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Khai thác phát triển công nghiệp chế biến theo chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp đạt ít nhất 20% trong GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 9,8%/năm, trong đó công nghiệp chế biến đạt 9,5%/năm (giá so sánh năm 2010); tỷ lệ lao động ngành công nghiệp qua đào tạo đạt trên 80%, lao động đào tạo nghề đạt 60% và giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động mỗi năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất) đạt 1,6 tỷ USD.
Về nhiệm vụ và giải pháp, tỉnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ưu tiên sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và nâng cao năng suất lao động của ngành công nghiệp. Phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và xuất khẩu hàng hóa, công nghiệp khu vực biên giới.
Chú trọng thực hiện các dự án công nghiệp trọng tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp dược, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao dựa trên tiềm năng, lợi thế về giao thông, vùng nguyên liệu, mặt bằng đã có của các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành khu công nghiệp năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thực hiện các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; nâng cao mức đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ có hiệu quả các chương trình, đề án của tỉnh trong công nghiệp. Khuyến khích và ưu tiên khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao.
Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2021 của tỉnh ước đạt 67.957 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp được tập trung thực hiện, chú trọng việc phổ biến và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng. Công tác đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.
DŨNG CHINH