Dự kiến đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

06/06/2023 - 09:00

Trước nhu cầu bức thiết trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, hiện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang phối hợp với các địa phương trong việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

A A

Việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đang là việc làm cấp thiết hiện nay.

Chiều 5-6, Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT có buổi làm việc với UBND tỉnh Long An về việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo Ban Quản lý dự án 7, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đi qua địa phận TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang là một phần của Dự án Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TP. Hồ Chí Minh kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tuyến đường dài khoảng 40 km, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp được khởi công năm 2004 và hoàn thành vào năm 2010.

Sau hơn 12 năm khai thác, nhất là sau khi dừng thu phí năm 2019, tuyến cao tốc có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn.

Theo đó, với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại, cũng như trong tương lai.

Do đó, cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như của cả nước.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Dự án đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang; điểm đầu tại Km 10+000 (sau nút giao Chợ Đệm), thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, điểm cuối tại Km 49+620 (trước nút giao Thân Cửu Nghĩa), thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Tổng chiều dài dự án khoảng 39,6 km. Về quy mô đầu tư, dự án sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp, phù hợp Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 6-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đầu tư đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Tổng diện tích đất chiếm dụng thực hiện dự án khoảng 200 ha (đã giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1); tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9,765 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ GTVT.

Về thời gian thực hiện, theo Ban Quản lý dự án 7, chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành trong năm 2023; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư hoàn thành trong năm 2024; tổ chức lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, thẩm định, quyết định duyệt thiết kế hoàn thành trong năm 2025.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2025; tổ chức thi công, hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trong năm 2027.

Theo Ban Quản lý dự án 7, dự án đầu tư với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc giao thông, từng bước hoàn thiện theo quy hoạch.

Dự án cùng với các dự án giao thông đang triển khai khác trong khu vực sẽ thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng ĐBSCL, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành cả nước…

Việc đầu tư dự án phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội khóa XV thông qua; phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Dự kiến, trong tuần này, Ban Quản lý dự án 7 cũng sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này.

Theo ANH THƯ (Báo Ấp Bắc)