Cô Thị Chín (bên trái) đang cắt môn ngọt, chuẩn bị ủ mẻ dưa mới.
Nhắc đến dưa môn, chị Thạch Thị Cẩm Vân, ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Tôi được bà nội truyền nghề làm dưa môn. Trước đây, khi hoàn cảnh khó khăn, món dưa này dùng để thay đổi khẩu vị bữa ăn. Giờ đây, tôi rất mừng khi dưa môn được nhiều người yêu thích”. Chị Vân không ngại chia sẻ bí quyết: “Món này không khó thực hiện nhưng các công đoạn làm khá vất vả và không phải ai cũng thành công. Môn cắt xong, rửa sạch, rồi đập dập cọng. Sau đó bóp, trộn với muối và ủ trong hủ kín, vài ngày có thể ăn được. Đối với môn ngọt, ủ mất khoảng 3 ngày, riêng loài môn ngứa khó hơn rất nhiều và ủ 1 tuần mới có thể ăn được. Làm môn ngứa vất vả khâu đập dập cọng môn nhưng thành phẩm dai và ngon hơn môn ngọt”. Theo chị Vân, hiện nay, đa phần bà con đều làm môn ngọt để rút ngắn công đoạn. Chị Vân tận dụng khoảng đất mương để trồng môn ngọt. Hiện mỗi ngày, chị làm khoảng 20kg dưa môn thành phẩm, với giá 20.000 đồng/kg. Mỗi tháng, nghề làm dưa môn cho chị Vân thêm thu nhập 1- 2 triệu đồng.
Theo lời kể của nhiều bà con dân tộc Khmer, dưa môn được xem là món ăn truyền thống lâu đời. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, qua bàn tay khéo léo của người mẹ, người vợ, cây môn mọc hoang lại trở thành món ăn dân dã trong nhiều gia đình. Với 2 chị em sinh đôi Thạch Thị Tum và Thạch Thị Tim, dưa môn là món ăn giản dị, bình dân nhưng ngon ngọt. Và món ăn này giúp 2 bà kiếm sống qua ngày khi tuổi cao, sức yếu. 2 bà bán dưa môn ở chợ ấp Thới Hòa B, theo cách rất dân dã 3.000- 4.000 đồng/chén. Bà Tim bộc bạch: “Hằng ngày, 2 chị em tôi đi xin hoặc mua môn về làm. Hiện nay, môn không có nhiều như trước. Chỉ cần có môn để làm, mỗi ngày, tôi có thể bán được khoảng 20kg dưa môn”. Với bí quyết riêng, bà Tum và bà Tim không đập dập môn, mà chẻ môn thành từng khúc vừa ăn, ủ chua trong nước muối nấu khoảng 4 ngày. Bà Tim nói: “Dưa môn ngon phải giòn, đạt độ chua nhất định, màu vàng tươi, không bị thâm đen. Món này ngon nhất khi dùng với cá kho hoặc nấu canh chua…”. Nhờ nghề truyền thống này, mỗi tháng, bà Tum và bà Tim thu nhập thêm khoảng 1 triệu đồng.
Thành phẩm món dưa môn muối chua giòn, có màu vàng đẹp mắt.
Nhiều năm qua, cô Thị Chín cũng kinh doanh món dưa môn. Thoăn thoắt cắt môn thành từng khúc, cô Chín bộc bạch: “Từ khâu cắt đến ủ dưa môn, tôi đều sử dụng bao tay để đảm bảo vệ sinh. Mỗi kg dưa môn chỉ từ 20.000- 25.000 đồng nên được nhiều người ưa chuộng, thành phẩm làm ra không kịp bán. Mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 1 triệu đồng tử bán dưa môn”.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Hiện thị trấn có khoảng 10 gia đình dân tộc Khmer sống ổn định với nghề làm dưa môn. Để hỗ trợ các chị, Hội đã và đang tập trung giới thiệu, quảng bá, tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Mặc khác, Hội phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng để tiến hành thành lập, ra mắt mô hình và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó, giúp chị em vừa lưu truyền nghề truyền thống dân tộc Khmer, vừa nâng cao thu nhập”.
Theo HỒNG VÂN (Báo Cần Thơ)