Vài năm gần đây, nhiều địa phương ở ĐBSCL tập trung thực hiện chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) theo chiều sâu cả về sản lượng lẫn chất lượng, với mong muốn góp phần đưa các sản phẩm này đến gần người tiêu dùng trong nước hơn và vươn ra thị trường quốc tế.
Nhiều người tiêu dùng biết đến
Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 62 sản phẩm OCOP. Trong đó, 2 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm 4 sao và 48 sản phẩm 3 sao.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP lập tức được An Giang thực hiện. Trong đó, tiêu biểu là "Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022" và "Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang năm 2022" với quy mô 480 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tham gia. Hai sự kiện này đã gây được ấn tượng với tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 39 tỉ đồng và thu hút trên 255.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Sản phẩm OCOP của An Giang được nhiều khách hàng ưa chuộng .Ảnh: VĨNH KỲ
Tại Cà Mau, OCOP không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn mang lại hiệu quả rõ nét trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chương trình này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân - từ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sang nền kinh tế thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2021, tuy ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng Cà Mau vẫn phát triển thêm 44 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên là 77. Hiện nay, Cà Mau xếp thứ 27/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 4 tại ĐBSCL trong danh sách các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Chế biến Thương mại Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (Cà Mau), cho biết khi sản phẩm chả cá phi chưa được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao thì HTX chủ yếu bán cho khách hàng thân thiết nên tiêu thụ rất hạn chế. "Khi chả cá phi được công nhận đạt chuẩn OCOP thì sản phẩm của chúng tôi được nhiều người tiêu dùng biết đến, sức tiêu thụ cũng tăng" - ông Ân phấn khởi.
Theo ông Trương Hòa Hội, chủ cửa hàng "Đặc sản miền Tây quê tôi" (TP Cần Thơ), cơ sở này bán rất nhiều sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL như: các loại khô Cà Mau, cá thát lát và chả cá Hậu Giang, dừa sáp và kẹo dừa Trà Vinh, bánh khoai lang Vĩnh Long, các loại trái cây sấy… Từ khi cửa hàng khai trương đến nay, rất nhiều người đến mua, nhất là khách du lịch vì đa phần sản phẩm OCOP là đặc sản của các địa phương.
Nâng "sao" cho sản phẩm
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP của tỉnh trong năm 2022. Kế hoạch này nhằm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu những sản phẩm từ tỉnh đến cơ sở; hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia.
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại cửa hàng “Đặc sản miền Tây quê tôi” .Ảnh: CA LINH
Kế hoạch của UBND tỉnh Trà Vinh chú trọng việc nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 27 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên; hỗ trợ xây dựng ít nhất 7 nhãn hiệu sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Với mong muốn sản phẩm OCOP của An Giang vươn xa ra thị trường quốc tế, gần đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tổ chức giới thiệu sản phẩm với những nhà nhập khẩu lớn của Thái Lan. Tại đây, 4 sản phẩm OCOP của An Giang là nước màu thốt nốt, đường thốt nốt, bánh hạnh nhân và khô cá lóc đã được các nhà nhập khẩu Thái Lan chấp nhận. Tuy nhiên, để xuất khẩu được những sản phẩm này, các doanh nghiệp ở An Giang cần phải đáp ứng nhiều quy chuẩn.
"Các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP được thị trường Thái Lan ưa chuộng đang cố gắng bảo đảm các yêu cầu về nguồn cung và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thêm nhiều chi phí và thời gian" - ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, nhìn nhận.
Tại Cà Mau, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã được trưng bày, tiêu thụ qua các kênh bán hàng, đưa vào những hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm OCOP của Cà Mau còn được xuất khẩu qua các thị trường Úc, Canada, Trung Quốc, Singapore.
Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, ngành công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức, cả về truyền thống lẫn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sở cũng đã tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử để hoạt động hiệu quả hơn. Đến nay, không chỉ xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Cà Mau, các sản phẩm OCOP của tỉnh này còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, Alibaba...
Thời gian tới, ngành chức năng Cà Mau sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa nông sản, hàng hóa - dịch vụ, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng; đề ra mục tiêu phát triển và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao lên 4 sao…
Trong khi đó, tại Tiền Giang, chương trình OCOP đặt ra 4 mục tiêu. Cụ thể: Tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn các xã để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP; phát triển ít nhất 2 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP; khuyến khích các tổ chức kinh tế, sản xuất - kinh doanh, dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn kiến thức cho 100% đội ngũ quản lý nhà nước thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia về chuyên môn quản lý sản xuất - kinh doanh. Nguồn vốn thực hiện chương trình OCOP ở Tiền Giang chủ yếu là xã hội hóa và vốn ngân sách hỗ trợ một phần.
Cần Thơ: Áp dụng chính sách đồng bộ
Theo kế hoạch thực hiện đề án OCOP năm 2022 của UBND TP Cần Thơ, địa phương phấn đấu tiêu chuẩn hóa 41 sản phẩm hiện có; phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, bao gồm những doanh nghiệp và HTX; triển khai phát triển một làng nghề tranh gạo; phát triển thêm 20-25 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao trở lên, trong đó có 1-2 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao; phấn đấu năm 2022, mỗi quận - huyện có ít nhất 2 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2022 là 3,6 tỉ đồng. Ðể thực hiện hiệu quả chương trình OCOP theo kế hoạch trên, TP Cần Thơ tiếp tục ban hành và áp dụng các chính sách đồng bộ. Sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ. Cần Thơ cũng sẽ củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình OCOP cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Với những sản phẩm đã được công nhận, cần phải tiếp tục có các giải pháp tiêu chuẩn hóa, phát triển, nâng cao chất lượng để nâng hạng và tạo dựng uy tín trên thị trường.
"Các chủ thể OCOP cần tập trung cải thiện chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng những giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng để góp phần đưa sản phẩm OCOP Cà Mau vươn xa" - ông Lê Văn Sử lưu ý.
Theo VĨNH KỲ - VÂN DU - CA LINH - MINH SƠN (Người lao động)