Đừng làm du lịch kiểu “ăn xổi ở thì”

05/06/2024 - 16:26

Không phải tự nhiên mà nhiều người dùng cụm từ “chữa lành” khi đề cập đến du lịch (DL). Bởi thực chất, đi DL là để tận hưởng cuộc sống, là lúc tạm rủ bỏ mọi lo toan để được đi, được ngắm, được ăn, nghỉ, ngủ một cách thoải mái nhất.

A A

Cho nên, khi đã làm DL phải đáp ứng những nhu cầu tận hưởng đó của du khách.

Du khách đứng chờ tàu nhỏ vận chuyển ra tàu lớn ở Hòn Mấu trong cái nắng nóng bức và thái độ phục vụ thiếu thiện cảm của một vài chủ đò. Ảnh: C.T

“Sạn” trên hòn đảo đẹp

Du khách trong và cả ngoài nước tìm về quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) là bởi nghe qua nơi này được ví như một “Hạ Long phương Nam”! Gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, Nam Du trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, với rừng nguyên sinh trên các hòn đảo, bầu không khí trong lành cùng những bãi cát vàng, cát trắng lấp lánh dưới làn nước biển trong xanh…

Đẹp là vậy, thế nhưng sau 7 năm trở lại Nam Du, tôi cảm nhận nơi này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu “chữa lành” của du khách! Vẫn như 7 năm trước, chúng tôi thuê xe máy (với giá 100.000 đồng/chiếc/ngày) để tự chạy tham quan trên con đường bên đồi, bên biển được xây vòng quanh đảo, nối đến các bãi tắm, điểm du lịch như bãi Sỏi, bãi Cây Mến, cây Da cô đơn... Vẫn những hàng quán nhìn nghèo nàn, chỉ vài ba cái homestay dọc đường (so với cách đây 7 năm chưa có), xen kẽ là những... bãi rác xộc lên mùi hôi và ruồi thì bay vòng quanh đảo, đậu cả vào những bàn ăn của du khách! Món ăn và rác thải từ hải sản thì thu hút ruồi, trong khi hệ thống xử lý rác thải vẫn chưa thể gọi là đạt chuẩn! Nhiều quán ăn tuy phục vụ lượng đông du khách nhưng chúng tôi tìm không ra một chiếc sọt rác để tự xử lý rác thải ngay bàn mình.

Ngày đầu tiên đặt chân đến, chúng tôi đã thất vọng khi thời tiết xấu, chủ nhà nghỉ không phục vụ việc vận chuyển vali, vật dụng mang theo như cam kết ban đầu (chỉ vì mưa?!). Thế là du khách phải tự chạy xe máy, tự khuân vác một cách khổ sở trên đoạn đường nhỏ hẹp tầm 2km!

Mỗi buổi sáng du khách phải chịu cảnh mất điện 1 giờ đồng hồ, chưa kể thỉnh thoảng đang tắm bị cúp nước, đó là tình hình chung trên đảo khi chưa có điện lưới quốc gia và hồ nước ngọt cũng không đáp ứng đủ nhu cầu (theo lời giải thích của chủ nhà nghỉ và người dân ở đảo).

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kêu gọi các dự án đầu tư phát triển DL, và phải có vai trò đầu tàu để không còn tình trạng phát triển tự phát, manh mún là chuyện mà ngành DL tỉnh bạn nên chu đáo hơn đối với hòn đảo đẹp này! DL Kiên Giang làm giàu từ đảo (cùng với đảo ngọc Phú Quốc, Hòn Sơn...) nhưng cách làm giàu này cũng cần nhìn lại!

Bài học từ cách làm DL

Lịch trình chính tham quan quanh Nam Du với mức phí 300.000 đồng/người/ngày, du khách sẽ được đến với các hòn Dầu, hòn Mấu, hòn Bờ Đập... bằng những chiếc tàu lớn. Từ tàu lớn muốn đến được các hòn phải qua trung gian các tàu nhỏ đưa rước khách, bởi tàu lớn không cập bờ được. Việc vận chuyển qua lại sẽ khó khăn nếu quý cô váy áo rườm rà, người già, trẻ em càng khó hơn. Chưa nói đến thái độ phục vụ đôi khi khá cộc cằn của những chủ tàu nhỏ. Một du khách đến từ tỉnh phía Bắc tỏ ra bức xúc khi hỏi đến 3 lần mà chủ tàu không trả lời, rằng đây có phải là tàu đưa anh ấy trở về hay không. Câu trả lời là sự càm ràm của chủ tàu: “Anh đi anh phải tự bám đoàn để biết đường về”?! Khi khách đợi trong cái nắng gắt mà nhận về thái độ như vậy thì liệu đây có gọi là đi “chữa lành”? Chưa kể ở hòn Hai Bờ Đập, một chai nước uống trị giá 30.000 - 40.000 đồng! Dù đi DL là để xài tiền nhưng xài như thế nhiều người cảm thấy... xót quá!

Trong một lần phát biểu về thực trạng DL hiện nay ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Làm DL hiện nay không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”. Không một du khách nào chấp nhận được chuyện “chặt chém”, dịch vụ tạm bợ, nóng mà không xanh, không bền vững”.

Với những điểm DL theo kiểu “ăn xổi ở thì”, làm DL theo kiểu tự phát, không có đầu tàu định hướng cho phát triển bền vững thì dù cảnh đẹp đến đâu, người ta cũng chỉ đến lần đầu và không quay lại. Phải phát triển sản phẩm DL, làm mới sản phẩm DL từ tiềm năng dồi dào, nguồn tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú và đa dạng. DL phải thật sự sang, đẹp để là nơi người ta đi “chữa lành”, tận hưởng đúng bản chất của DL! 

Bạc Liêu cũng đầy tiềm năng và đang có những hướng đi mới để phát triển từ DL biển, DL sinh thái. “Hạ Long phương Nam” với những hạt sạn đáng tiếc thiết nghĩ là bài học kinh nghiệm để chúng ta bắt tay làm DL một cách bền vững. Muốn đón du khách đến và mời du khách trở lại thì đừng làm DL theo kiểu “ăn xổi ở thì”!

Theo CẨM THÚY (Báo Bạc Liêu)