Dự kiến sẽ có 390 gian hàng tham gia. Trong đó, khu hội chợ triển lãm của các đơn vị tài trợ (100 gian hàng), khu triển lãm máy móc vật tư nông nghiệp (60 gian hàng), hội nông dân các tỉnh (40 gian), doanh nghiệp huyện thị tỉnh Vĩnh Long (40 gian), ngành lương thực Bộ Nông nghiệp- PTNT (50 gian hàng), doanh nhân trẻ Vĩnh Long (20 gian), xúc tiến thương mại các tỉnh (80 gian hàng)…
Theo ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương, Festival lúa gạo lần này được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long “đặc biệt” hơn khi không tổ chức hội chợ triển lãm như những sự kiện trước đó.
Do đó, có thể nói, các sản phẩm trưng bày thật sự có chất lượng, nguồn gốc đặc trưng của từng địa phương. Qua đó, cũng sẽ hạn chế đến mức tối đa tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả.
Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V- Vĩnh Long năm 2021 là sự tiếp nối thành công từ các kỳ Festival trước.
Khách quốc tế trải nghiệm trồng lúa nước tại Vĩnh Long- ảnh chụp trước dịch COVID-19.
Festival lúa gạo thật sự đã khẳng định được ý nghĩa của chương trình khi đã phát huy được vai trò là nhịp kết nối, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường.
Đặc biệt đã góp phần quảng bá hạt gạo Việt Nam ra thế giới, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư… khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện tốt mục tiêu vừa chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa tích cực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Theo ông Phạm Tứ Phương, Festival lúa gạo sẽ là cầu nối để các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân có cơ hội giao lưu, kết nối với nhau để cùng nhau phát triển.
“Các gian hàng trưng bày, giao lưu là sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, đã đạt nhiều chứng nhận uy tín cả trong và ngoài nước. Hy vọng vào sự kết nối, tiêu thụ, cùng đưa các sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng lên một tầm cao mới”- ông Phương chia sẻ.
Với nhiều hội thảo và các hoạt động ý nghĩa diễn ra trong khuôn khổ Festival lần này, theo ông Đinh Khắc Đính- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “Thông qua Festival lần này, mong muốn các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học và nông dân sẽ có dịp để nhìn lại chặng đường lúa gạo Việt Nam.
Đồng thời, cùng tìm kiếm những giải pháp chiến lược tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những rào cản để tiến tới mục tiêu đưa lúa gạo Việt Nam mang thương hiệu Việt Nam phát triển ổn định trên thị trường trong và ngoài nước”.
Trong khi đó, để chuẩn bị tốt nhất cho Festival lúa gạo, ban tổ chức phối hợp chặt chẽ với ngành y tế lên phương án phòng chống dịch COVID-19 đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia và khách tham quan.
Theo đó, đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia cần thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định trong suốt thời gian diễn ra sự kiện; đảm bảo một trong những điều kiện: tiêm 2 mũi sau 14 ngày, trường hợp F0 đã khỏi cần phải có giấy xác nhận của bệnh viện sau 14 ngày, test nhanh âm tính trong 72 giờ.
Đối với khách tham quan cũng cần tuân thủ các quy định cụ thể. Ban tổ chức sẽ bố trí các buồng khử khuẩn, dung dịch sát khuẩn ở các cửa ra vào khu sự kiện và những nơi thuận tiện; có nhân viên y tế tổ chức trực, tuyên truyền nhắc nhở khách tham quan…
Festival sẽ diễn ra cùng chuỗi các chương trình, hoạt động liên hoàn như: Hoạt động hội chợ triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh Vĩnh Long, ĐBSCL và các tỉnh, thành cả nước; triển lãm những thành tựu sản xuất lúa gạo Việt Nam qua các thời kỳ; “Những chặng đường Festival lúa gạo Việt”; Khu triển lãm sản phẩm OCOP, “Nông nghiệp- Nông dân- Nông thôn và Xây dựng nông thôn mới”; Hội thảo “Sản phẩm OCOP và Phát triển ngành hàng lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới”; Hội thi “Gạo ngon Thương hiệu Việt”; Hội thi “Món ngon Gạo- Nếp Việt Nam”;…
Theo Báo Vĩnh Long