Giá heo hơi cao, người nuôi vẫn ngại tái đàn

14/05/2020 - 09:17

Giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang ở mức cao, song những hộ chăn nuôi nhỏ vẫn chưa mặn mà với việc tái đàn do sợ rủi ro và thiếu vốn.

LÙNG SỤC TÌM MUA HEO

Thời điểm này, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đang được thương lái thu mua với giá cao. Dù vậy, người nuôi không có heo để bán. Ông Nguyễn Hữu Phước, thành viên Tổ hợp tác Chăn nuôi xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện heo hơi ở xã được thương lái thu mua với giá trên 9 triệu đồng/tạ. Những ngày qua, thương lái lùng sục khắp nơi để tìm mua heo. Đàn heo trong tổ hợp tác đang còn rất ít, đa phần là hết vốn nên người nuôi không thể tái đàn. Thời điểm này, nếu có heo bán, trung bình người nuôi lãi hơn 4 triệu đồng/tạ.

Giá thịt heo tại các chợ đang ở mức cao.

Tương tự, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, giá heo hơi cũng đang ở mức rất cao. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện đàn heo của huyện khoảng 75.000 con, giảm 50% so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Dù vậy số lượng heo hơi cung cấp trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo, không thiếu thịt heo, chỉ có giá là ở mức cao.

Thời điểm này, giá thịt heo tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh đang ở mức cao. Ghi nhận tại chợ Mỹ Tho, thịt heo đùi có giá 140 ngàn đồng/kg, thịt ba rọi 170 ngàn đồng/kg… Theo một tiểu thương bán thịt heo nơi đây, do giá thịt heo cao nên rất khó bán, sức mua hạn chế.

Còn tại cửa hàng Bách hóa Xanh (phường 8, TP. Mỹ Tho), giá thịt heo cũng nằm ở mức cao. Ngoài nguồn cung trong nước, đơn vị còn nhập thịt heo ngoại về để bán. Dù vậy, giá thịt heo ngoại nhập cũng ở mức cao.

Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười cho biết, heo hơi ở xã được các thương lái thu mua khoảng 9 triệu đồng/tạ, có thời điểm lên đến 9,2 triệu đồng/tạ. Đàn heo của xã chỉ còn khoảng hơn 10.000 con, giảm khoảng 3 lần so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, đến cuối tháng 4-2020, đàn heo của tỉnh khoảng 325 ngàn con, đạt 67,91% kế hoạch, bằng 61,86% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn heo nái giống sinh sản 18.780 con, đàn heo nái giống hậu bị 20.265 con, đàn heo đực giống 455 con, đàn heo con theo mẹ 47.816 con, đàn heo thịt trên 237 ngàn con.

HỘ NUÔI NGẠI TÁI ĐÀN

Thực tế cho thấy, vừa qua, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, ngành Chăn nuôi cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng bị thiệt hại lớn. Khi xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ mất vốn dẫn đến không có điều kiện tái đàn. Mặt khác, qua tìm hiểu, người nuôi vẫn còn lo ngại nguy cơ dịch bệnh xảy ra. Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Người chăn nuôi đang lo ngại vấn đề giá. Do heo giống đầu vào đang có giá rất cao, nuôi thời gian tới biết có bán được giá như hiện tại hay không”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện có một số trang trại ở huyện đã tái đàn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P theo quy trình khép kín. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, các hộ nào đã bị dịch tả heo châu Phi thì vẫn chưa mặn mà với việc tái đàn. Bởi heo thịt giá cao, heo giống giá cũng cao ngất ngưỡng nên người nuôi còn e ngại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn heo đảm bảo an toàn sinh học, Sở NN&PTNT có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức hướng dẫn đăng ký kê khai khi tái đàn heo. Thực tế ở tỉnh cho thấy, ngoài cơ sở chăn nuôi gia công, chăn nuôi trang trại từ quy mô vừa trở lên đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và đăng ký kê khai với chính quyền địa phương, các cơ sở chăn nuôi còn lại do nhập hoặc tái đàn heo với số lượng ít nên chưa quan tâm đến việc đăng ký kê khai.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến cho biết, hiện người nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tái đàn. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ đang có tâm lý ngại tái đàn. Trước hết là do người nuôi thiếu vốn, trong khi giá heo giống cao, trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng/con.

Mặt khác, nguồn cung heo giống hiện nay cũng rất hạn chế. Người nuôi heo chủ yếu nuôi xoay vòng trong trại của họ, không bán con giống.

Theo M. THÀNH (Báo Ấp Bắc)