Tuy vậy, việc người nuôi tái đàn, khôi phục lại chăn nuôi heo không hề dễ dàng vì giá con giống, chi phí đầu tư cũng không ngừng tăng theo, trong khi nguy cơ các loại dịch bệnh tái phát trên heo còn rất cao.
Người nuôi heo chưa mạnh dạn tái đàn vì ngại dịch bệnh.
Đầu tháng 12, giá heo hơi liên tục “nhảy múa”, từ 60.000 đồng/kg tăng lên 70.000 đồng/kg, rồi gần 100.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Liên (ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nuôi 7 con heo thịt và 2 con heo nái cho biết, hiện đàn heo thịt của bà gần đạt 100 kg/con và thương lái đã đến ra giá mua 92.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gia đình bà vẫn chưa chịu bán. Bà Liên cho biết, gia đình để heo lại nuôi cho đạt trên 100 kg/con và cũng chờ đến gần tết mới bán.
Theo tính toán của người nuôi, với giá bán gần 100 ngàn đồng/kg hiện nay, người nuôi heo sau khi trừ chi phí còn lãi từ 6 - 7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên, người chăn nuôi heo tái đàn rất ít. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang Nguyễn Thị Mến cho biết, mấy ngày qua, chi cục đã đi khảo sát các địa phương về tình hình hỗ trợ người dân có heo bị tiêu hủy và công tác tái đàn heo trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượng người nuôi tái đàn heo rất ít. Có hộ trước đây nuôi 100 con thì giờ chỉ tái đàn khoảng 5 - 7 con. Đa số hộ nuôi không dám tái đàn vì sợ dịch tả heo châu Phi tái phát.
Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, lượng heo thịt của tỉnh từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 có thể xuất chuồng từ 120 ngàn đến 150 ngàn con. So với nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp tết hằng năm, lượng heo trên đảm bảo cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Tuy nhiên, do sản lượng heo của các tỉnh trong khu vực giảm mạnh nên lượng heo của tỉnh sẽ xuất đi các tỉnh, thành.
Tuy giá heo hơi tăng cao nhưng người nuôi vẫn khá dè dặt trong việc tái đàn vì rủi ro tái phát dịch tả heo châu Phi còn rất lớn và thực tế một số hộ tái đàn đã bị tái phát dịch.
Theo Báo Ấp Bắc