Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2018 – 2019.
Ngày 1-3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sản xuất lúa gạo ảnh hưởng rất nhiều bởi thị trường, thời tiết, nhiều giai đoạn giá lúa gạo bị xuống, ảnh hưởng đến tâm lý người trồng lúa. Ngày 19-2, Chính phủ đã chủ trì họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ lúa, gạo. Ngày 18/2, Bộ NN&PTNT đã làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc về việc nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Kết quả, ngày 22-2, Công ty Lương thực miền Nam cùng với doanh nghiệp Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ việc nhập khẩu 100.000 tấn gạo, trong đó có 70% gạo tẻ, 30% gạo nếp.
"Sau đó, giá lúa, gạo tại ĐBSCL đã có bước chuyển biến tích cực và đã tăng liên tục, ổn định", Thứ tưởng Tiến cho biết.
Bảo đảm vốn thu mua lúa cho nông dân
Phát biểu tại hội nghị sơ kết tình hình tiêu thụ lúa gạo năm 2018 và kế hoạch tiêu thụ lúa gạo năm 2019 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chiều 1-3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu đã yêu cầu, các doanh nghiệp trên địa bàn sớm phối hợp với ngân hàng để đảm bảo đủ vốn thu mua lúa cho nông dân, nhất là số lượng lúa đã ký hợp đồng tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Long và các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định, giải ngân vốn sớm để thu mua tạm trữ lúa. Ngoài ra, các địa phương tăng cường quản lý cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thương lái đến thu mua lúa, góp phần cùng doanh nghiệp tiêu thụ hết số lúa còn lại của nông dân.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Tho, vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, tỉnh xuống giống gần 55.000 ha lúa. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch được gần 29.400 ha, còn lại khoảng 25.500ha đang ở giai đoạn chắc xanh - chín. Dự kiến, đến cuối tháng 3-2019 sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân. Tổng sản lượng toàn vụ dự kiến đạt 367.000 tấn lúa; trong đó sản lượng thu hoạch đến cuối tháng 3 là trên 159.000 tấn lúa.
Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh hiện có hai doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang triển khai thu mua lúa của nông dân với tổng sản lượng đã thu mua hơn 2.000 tấn lúa. Các doanh nghiệp có ký hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân đã thu mua với mức giá theo hợp đồng ký kết nên một số nông dân không bị ảnh hưởng do giá lúa thị trường giảm, tuy nhiên diện tích thu mua theo hợp đồng không nhiều. Diện tích lúa còn lại chủ yếu được thu mua qua thương lái.
Bà Trương Thị Oanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Long cho biết, hiện nay ngân hàng đảm bảo đủ vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn vay với lãi suất theo thông báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 6%. Ngân hàng sẽ tăng cường làm việc với các doanh nghiệp, tiến hành các thủ tục theo quy định để giải ngân vốn nhanh nhất cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
Trong hai ngày nay, giá lúa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã tăng thêm từ 100 - 200 đồng/kg so với thời điểm đầu mới thu hoạch lúa Đông Xuân. Cụ thể, giá lúa IR50404 mua tại ruộng từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, các giống lúa hạt dài giá từ 4.900 - 5.000 đồng/kg.
Đồng Tháp: Nhộn nhịp thị trường tiêu thụ lúa
Trong khi đó, theo TTXVN, thị trường tiêu thụ lúa ở tỉnh Đồng Tháp hiện đang nhộn nhịp hẳn lên, giá lúa tăng từ 200-500 đồng/kg. Hiện nay, giá lúa IR-50404 là 4.700 đồng/kg, trong khi đầu tháng 2 có giá là 4.200-4.300 đồng/kg; giống chất lượng cao hiện với giá 5.400 đồng/kg, đầu tháng 2 có giá 4.500-4.800 đồng/kg.
Hai tháng đầu năm 2019 tỉnh Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 91.000 ha lúa Đông Xuân. Do giá lúa thấp, nông dân mất đi hơn 1.000 đồng/kg lúa, bình quân mỗi ha mất đi từ 10-15 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 100.000 ha đang tiếp tục thu hoạch và thu hoạch hết vào ngày 15/3. Giá lúa cao hơn đã giúp nông dân phấn khởi với những diện tích thu hoạch sau.
Tỉnh hiện có 2 hợp tác xã có kho lớn đã góp phần tích cực vào việc thu mua và trữ lúa. Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình có kho trữ quy mô 1.000 tấn, đã lưu kho 100 tấn, chuẩn bị nhận 700 tấn lúa đã ký hợp đồng với nông dân và còn khả năng nhận lưu kho thêm 200 tấn. Hợp tác xã Tân Cường, huyện Tam Nông có quy mô 3.500 tấn, đã lưu kho 1.500 tấn, chuẩn bị nhận 1.000 tấn lúa của nông dân và còn khả năng nhận lưu kho thêm 1.000 tấn.
Hợp tác xã Tân Bình và Tân Cường đã thông báo rộng rãi trong nông dân về việc hỗ trợ lưu kho lúa gạo. Hợp tác xã không tính phí lưu kho cho nông dân, chỉ tính phí cho các bạn hàng kinh doanh và có thu chi phí sấy lúa cho tất cả đối tượng có nhu cầu.
Giá lúa tại Đồng Tháp tăng 100-200 đồng
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 2-2019 của UBND thành phố Cần Thơ với các sở ngành, địa phương được tổ chức chiều 28/2, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong những ngày gần đầy, giá lúa trên địa bàn đã tăng thêm từ 100-200 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa Đông xuân.
Cụ thể, lúa Jasmine 85 (lúa tươi) hiện có giá từ từ 5.100 - 5.200 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 từ 4.800 - 4.900 đồng/kg, giống lúa IR 50404 từ 4.500 - 4.600 đồng/kg, tăng bình quân từ 100 - 200 đồng/kg.
Ông Hè cũng cho biết, giá thành sản xuất lúa Đông Xuân 2018-2019 trên địa bàn thành phố Cần Thơ dự kiến là 3.000 đồng/kg và giá định hướng là 4.000 đồng/kg. Tuy giá lúa có tăng nhẹ so với đầu vụ nhưng do giá lúa năm nay vẫn còn thấp hơn giá lúa vụ Đông Xuân 2017- 2018 nên nhiều hộ nông dân có xu hướng trữ lúa lại chờ giá cao hơn mới bán.
Cũng theo ông Hè, nông dân trên địa bàn thành phố đã thu hoạch được gần 50.000 ha trên tổng số 81.264 ha lúa Đông Xuân, năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha. Số diện tích còn lại dự kiến sẽ thu hoạch hoàn thành trong giữa tháng 3. Dự kiến sản lượng lúa Đông Xuân 2018-2019 của thành phố Cần Thơ sẽ đạt khoảng 570.000 tấn; trong đó, sản lượng lúa hàng hóa là khoảng 470.000 tấn.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thu mua lúa tạm trữ, giá lúa đã tăng thêm từ 100-200 đồng/kg.
Đặc biệt là sau cuộc họp của Bộ NN&PTNT với các bộ, ban, ngành, địa phương ngày 26-2 vừa qua tại Đồng Tháp để bàn giải pháp tiêu thụ lúa, đồng thời các doanh nghiệp của Trung Quốc và Indonesia bắt đầu quay lại thu mua gạo của Việt Nam đã làm cho giá lúa tăng lên và việc tiêu thụ cũng nhanh hơn.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang tích cực thu mua lúa trong dân nên dự báo trong thời gian tới, giá lúa sẽ còn nhích lên nhưng không thể bằng với giá lúa của năm 2018. Theo các doanh nghiệp, giá lúa Đông Xuân năm nay không thể cao như năm trước được vì năm 2018 là năm đặc biệt, tình hình xuất khẩu gạo rất thuận lợi nên giá lúa tăng rất cao.
Theo Chính Phủ