Giá lúa gạo sẽ còn tăng?

19/04/2018 - 09:20

Thông tin từ các DN XK gạo cho hay, sau mấy tuần tăng liên tục, giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam hiện đang được chào bán ở mức 430-440 USD/tấn...

Thu hoạch lúa đông xuân ở Long An

Mấy tuần qua, giá lúa gạo tăng liên tục và hiện đang ở mức cao. Nhiều khả năng giá lúa gạo nội địa và XK của Việt Nam sẽ còn tăng lên khi nhu cầu NK từ nhiều nước khiến cho giá gạo trên từ các nước XK lớn có thể cùng tăng lên để thiết lập mặt bằng giá mới.

Thông tin từ các DN XK gạo cho hay, sau mấy tuần tăng liên tục, giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam hiện đang được chào bán ở mức 430-440 USD/tấn, ngang ngửa với gạo cùng loại của Thái Lan.

Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng liên tục tăng lên trong suốt mấy tuần qua. Bà Tư Lan, một thương lái ở An Giang, cho hay, giá lúa tươi IR 50404 hiện có giá bán tại ruộng từ 5.350-5.400 đ/kg, lúa OM 5451 giá tại ruộng 5.800 đ/kg, lúa khô IR 50404 tại nhà máy giá 6.400 đ/kg, lúa khô OM 5451 giá 6.700 đ/kg… Thông tin từ một số nhà máy xay xát gạo cho thấy, gạo nguyên liệu IR 50404 hiện ở mức 7.850-7.900 đ/kg, gạo nguyên liệu OM 5451 từ 8.450-8.650 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm loại IR 50404 từ 9.100-9.200 đ/kg. Tấm từ 7.550-7.650 đ/kg…

Theo ông Lâm Anh Tuấn, GĐ Cty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), giá gạo XK và giá lúa gạo nội địa liên tục tăng trong những tuần qua, trước hết là do nguồn cung đã bắt đầu hạn hẹp. Vụ đông xuân ở ĐBSCL đang đi vào thời điểm cuối vụ. Ở Campuchia, người dân đang bận ăn Tết cổ truyền nên lúa Campuchia về Việt Nam giảm nhiều. Nguồn cung lúa nguyên liệu ở Campuchia hiện cũng không dồi dào.

Trong khi đó, nhu cầu XK gạo lại đang tăng lên, nhất là sau khi có được những hợp đồng lớn. Indonesia sau khi ký hợp đồng mua 300.000 tấn gạo Việt Nam, lại đã ký tiếp một hợp đồng lớn khác với khối lượng 200.000 tấn. Cả 2 hợp đồng nói trên đều có giá tốt. Trong tuần này, Philippines lại mở thầu NK 250.000 tấn gạo loại 25% tấm, giao hàng trong tháng 5 và tháng 6. Nhiều nguồn tin cho hay, Việt Nam và Thái Lan đã được mời tham gia cuộc đấu thầu này. Và nhiều khả năng Việt Nam sẽ lại trúng thầu một khối lượng không nhỏ trong đó. Ngoài ra, nhiều DN cũng có thêm các hợp đồng thương mại.

Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng góp phần làm tăng giá lúa gạo. Yếu tố tâm lý đến từ việc khi Việt Nam liên tiếp có được những hợp đồng lớn từ Indonesia và nhiều khả năng tiếp tục trúng thầu bán gạo cho Philippines, thì nhu cầu thu mua gạo hàng hóa phục vụ XK chắc chắn sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nhân ngành gạo, giá lúa gạo không tăng đột biến theo kiểu “sốt”, mà tăng lên từ từ. Bởi những hợp đồng lớn nói trên đều có thời gian giao hàng kéo dài. Như 500.000 tấn mà Indonesia đã ký mua của Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4 này, có thời gian giao hàng từ tháng 5 tới tháng 7. Do đó, áp lực thu mua gạo hàng hóa để đáp ứng cho việc giao hàng sang Indonesia không quá lớn. Nếu nguồn cung từ vụ đông xuân đã cạn, các DN được phân bổ chỉ tiêu XK sang Indonesia hoàn toàn có thể chờ gạo mới từ vụ hè thu để đấu trộn với gạo vụ đông xuân để ra gạo 15% tấm là chủng loại gạo mà Indonesia mua.

Trong tuần này, Philippines mở thầu mua 250.000 tấn gạo 25% tấm. Kể cả khi Việt Nam trúng thầu toàn bộ (điều này là rất khó vì còn có sự tham gia đấu thầu của Thái Lan), thì cũng không tạo ra quá nhiều áp lực thu mua gạo hàng hóa để cung ứng sang Philippines. Trước hết là vì thời gian giao hàng cũng không quá gấp gáp (200.000 tấn giao không quá ngày 31/5, 50.000 tấn không trễ hơn 30/6). Mặt khác, trong 250.000 tấn gạo 25% tấm, thì có tới khoảng 80.000 tấn là tấm. Mà tấm thì hiện đang rất sẵn trong kho của các DN chuyên cung ứng gạo hàng hóa phục vụ XK. Kho nào ít cũng có 500-700 tấn, những kho nhiều có tới hàng ngàn tấn.

Nhiều khả năng giá lúa gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi có thêm những hợp đồng lớn trong thời gian tới. Thậm chí, theo ông Lâm Anh Tuấn, giá gạo Việt Nam có thể còn tăng lên nữa khi giá gạo Thái Lan và gạo XK của một số nước khác cùng tăng lên và hình thành nên một mặt bằng giá mới trên thị trường lúa gạo thế giới. Thế nhưng, khi chào bán gạo theo các hợp đồng thương mại, các DN Việt Nam cần phải tính toán lại giá bán một cách hợp lý hơn. Bởi trong những ngày qua, tuy giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ngang với giá gạo cùng loại của Thái Lan, thì hầu như không DN nào bán được gạo với mức giá đó, vì nếu ngang giá, khách hàng sẽ chọn gạo Thái Lan.

Theo THANH SƠN (Nông Nghiệp)