Giá lúa khởi sắc, vụ thu đông có ngon ăn?

12/07/2019 - 09:21

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa trong thời gian tới có thể được cải thiện. Vì vậy, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương khu vực Nam Bộ tập trung đầu tư cho vụ lúa thu đông, coi đây là vụ sản xuất chính.

Diện tích và giá lúa hè thu giảm mạnh

Sáng 11-7, tại hội nghị tổng kết sản xuất vụ hè thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2019 khu vực Nam Bộ, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, tổng diện tích lúa hè thu vùng Nam Bộ ước đạt 1,647 triệu ha, giảm 46.000ha, trong đó ĐBSCL giảm 42.000ha, vùng Đông Nam Bộ giảm 4.000ha. Sản lượng lúa ước đạt 9,235 triệu tấn, giảm 23.000 tấn so với vụ hè thu 2018.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa vụ hè thu 2019. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Cục Trồng trọt, về cánh đồng lớn, đến nay, vùng ĐBSCL vẫn được duy trì ổn định khoảng 140.000 – 150.000ha/vụ. Theo tính toán, mỗi ha lúa trong cánh đồng lớn giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, tăng sản lượng từ 20 - 25%, thu lãi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha.

“Do lúa thương phẩm vụ đông xuân trước đó có giá bán thấp, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, một số vùng do mưa trễ nên vụ hè thu này xuống giống muộn sẽ ảnh hưởng đến gieo trồng vụ thu đông, do đó một số địa phương chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản, làm giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước” – ông Tùng giải thích.

Về giá lúa, theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu đang bước vào vụ thu hoạch chính nhưng giá bán thấp hơn cùng kỳ năm 2018, tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lữ Cẩm Khường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, đến nay, tỉnh này có 28% diện tích lúa hè thu đã được thu hoạch, dự kiến đạt khoảng 13.000 tấn. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất là giá lúa đang rớt sâu, có nơi người dân chỉ bán với giá 3.850 đồng/kg.

“Trước tình hình trên, tôi kiến nghị Bộ NNPTNT trình Chính phủ có chính sách thu mua lúa dự trữ, để doanh nghiệp vào cuộc mua lúa, nông dân mới có lời. Giá lúa hiện tại sẽ tác động lớn đến diện tích lúa thu đông tới” – ông Khường nói.

Ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, địa phương này đã thu hoạch được hơn 80.000ha lúa hè thu (năng suất đạt 5,6 tấn/ha) nhưng người dân rất khó khăn do giá lúa rất thấp, hiện chỉ còn khoảng 4.000 đồng/kg.

Tăng diện tích gieo sạ vụ thu đông

 

Đại diện Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, trong tháng 7 này, tổng dòng chảy trên các trạm ở thượng nguồn Mekong ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10-20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN từ 0,1-0,2m. Mùa lũ năm 2019, ít khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ có thể xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN và thấp hơn năm 2018.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, với dự báo lũ trên, ở Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang cơ bản an toàn do có hệ thống đê bao bảo vệ. Ở Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vẫn có khả năng bị đe dọa ở các khu vực ngoài đê.

Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cũng dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với TBNN, dao động từ báo động 1 đến báo động 2 xảy ra vào từ nửa tháng 9 đến đầu tháng 10.

Với hai dự báo trên, Bộ NNPTNT cho rằng nên tập trung phát triển cây lúa trong vụ thu đông tới với 750.000ha, tức tăng diện tích gieo sạ so với vụ thu đông cùng kỳ năm trước.

“Năm 2018 chúng ta khuyến cáo giảm diện tích là do dự báo lũ cao, còn năm nay thì dự báo lũ đến muộn và nhỏ nên phải tập trung sản xuất. Tuy nhiên, phải sản xuất những giống lúa thơm, lúa chất lượng vừa ít tốn chi phí sản xuất vừa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào những tháng cuối năm. Xin nói thêm là theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì thời gian tới, giá lúa sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn” – ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định.

Theo ông Doanh, trong thời gian gần đây, vụ lúa thu đông được đánh giá là có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Vì vậy, các địa phương nên xem vụ thu đông là vụ sản xuất chính.

“Những địa phương có vùng đất thấp, không có đê bao thì không sản xuất lúa thu đông. Sau hội nghị này, Bộ NNPTNT sẽ cử các đơn vị trực thuộc đến ngành nông nghiệp từng địa phương để khảo sát, xem điều kiện các đê bao để có hướng dẫn sản xuất cụ thể sao cho an toàn, người dân yên tâm sản xuất” – ông Doanh nói.

Theo Dân Việt