Vụ lúa hè thu năm nay, bà con nông dân trong tỉnh xuống giống muộn hơn các tỉnh lân cận khoảng gần 1 tháng. Hiện nay, các trà lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ, trong đó có khoảng 35 ha sạ sớm đã thu hoạch, năng suất đạt 4 tấn/ha.
Sau hơn 3 tháng xuống giống, hiện nay, hơn 35.000 ha lúa hè thu của Cà Mau đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ chín, đang được các thương lái tìm đến ruộng đặt cọc mua lúa. (Ảnh chụp ngày 11/8, tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời).
Theo nhiều bà con nông dân, hầu hết diện tích lúa hè thu gieo sạ sớm gặp bất lợi do thời tiết. Thời điểm mới gieo sạ xảy ra nắng nóng kéo dài, một số diện tích nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn, dẫn đến thiệt hại. Nhiều nơi phải gieo sạ lại lần 2, đến thời điểm chuẩn bị thu hoạch thì bị ngập úng, đổ ngã do ảnh hưởng dông lốc, hoàn lưu của bão số 1 và 2, làm giảm năng suất, nhưng bù lại giá lúa tăng mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 11/8 tại huyện Trần Văn Thời, nơi được xem là vựa lúa của tỉnh, với gần 29.000 ha lúa hè thu, thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa tươi, các giống: OM 5451, OM 18, Ðài Thơm 8, OM 576 sạ sớm, cho thu hoạch trong vòng 10 ngày tới với giá từ 7.500-7.800, tăng khoảng 2 ngàn đồng/kg so với vụ hè thu năm trước. Ðiều làm cho nhiều nông dân bất ngờ là các giống chất lượng cao từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới như: ST 24, ST 25 giá chỉ 7.100-7.400 đồng/kg, thấp hơn khoảng 200 đồng/kg so với các giống lúa chất lượng thấp, gạo chỉ để làm bún, bánh và làm thức ăn cho gia súc, gia cầm như: Hương Châu 6, OM 6162, OM 2517, OS 20...
Chuẩn bị thu hoạch 2,3 ha lúa OM 18, nông dân Nguyễn Hoàng Giăng, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi: “Tôi chưa thấy năm nào sản xuất vụ hè thu mà lúa lại có giá như năm nay. Lúa vừa trổ bông đã có thương lái đến đặt tiền cọc, giá cao hơn vụ hè thu năm trước từ 1-2 ngàn đồng/kg. Bên cạnh giá lúa tăng cao, năm nay nông dân như được tiếp thêm động lực khi giá nhiều loại phân bón đã hạ nhiệt và bình ổn. Vì thế, chi phí sản xuất giảm đáng kể, nông dân có lãi lớn, trên 30 triệu đồng/ha. Tôi hy vọng tới vụ đông xuân tới, giá lúa tiếp tục ổn định để nông dân an tâm sản xuất, gắn bó với đồng ruộng hơn".
Cách đó không xa, ông Phạm Văn Toàn hồ hởi khoe: "Từ trước đến nay, chưa có bao giờ thấy lúa hè thu lại bán được giá cao như năm nay. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá lúa bắt đầu rục rịch tăng, nhiều cánh đồng chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có thương lái đến xem lúa và bỏ cọc trước. Hiện nay, giá lúa đang nóng lên từng ngày, mỗi ngày thương lái đưa ra một mức giá, hôm sau cao hơn hôm trước".
Nông dân Phạm Văn Toàn, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, phun thuốc phòng trừ rầy nâu và bệnh lem lép hạt cho cây lúa.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: "Vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống 35.244 ha, đạt 99,92% so kế hoạch, bằng 100% so cùng kỳ. Giá lúa năm nay tăng trung bình khoảng 1 ngàn đồng/kg, có giống lúa thời điểm này cao hơn 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022, giá vật tư, phân bón được bình ổn và có giảm xuống, nông dân có lãi nhiều".
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng. Hiện giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao so các nước xuất khẩu khác. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm 2023 tiếp tục đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tăng cao.
Việc Ấn Ðộ và một số nước ngừng xuất khẩu gạo, trong khi một số nước tăng mức dự trữ, giảm bán gạo được xem là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, đẩy giá lúa trên thị trường tăng vọt trong thời gian qua. Từ những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu gạo khiến cho thị trường lúa, gạo trong nước có nhiều khởi sắc. Hoạt động thu mua lúa đang diễn ra sôi động, dù thời điểm này chưa vào cao điểm thu hoạch rộ vụ lúa hè thu năm 2023.
Theo TRUNG ĐỈNH (Báo Cà Mau)