Giá lúa và cá tra đồng bằng sông Cửu Long đang nhích lên

30/07/2019 - 13:50

Những ngày gần đây, giá lúa hè thu và cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng như ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhích lên khiến nông dân giảm bớt lo lắng.

Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra Tân Thạnh, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Hiện giá lúa tươi giống IR50404 tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… đang ở mức từ 3.900 - 4.200 đồng/kg, tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Trước đó, giá chỉ ở mức 3.700 - 3.900 đồng/kg.

Các loại lúa tươi hạt dài như các giống OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577 hiện được nông dân bán cho thương lái với giá 4.500 - 4.700 đồng/kg. Gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận thu mua với giá phổ biến từ 6.700 - 7.200 đồng/kg, tùy loại.

Giá lúa tăng nhẹ do nguồn cung giảm vì vụ lúa hè thu 2019 tại nhiều địa phương hiện đã được nông dân thu hoạch và bán hết cho thương lái, doanh nghiệp.

Giá tăng do chất lượng hạt lúa hè thu tốt. Thời tiết nắng, việc thu hoạch tiến độ, không bị ảnh hưởng bởi mưa gió. Với giá đó, hiện nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa hè thu đạt lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 30 - 50%. Nguyên nhân lợi nhuận giảm là do năng suất và giá bán lúa vụ này giảm.

Cùng đó, giá cá tra nguyên liệu cũng tăng thêm từ 700 - 1.000 đồng/kg sau khi sụt giảm mạnh; riêng cá tra giống tăng lên từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Hiện giá cá tra nguyên liệu tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ được các hộ chăn nuôi bán cho doanh nghiệp khoảng 20.000 đồng/kg; giá cá giống được bán từ 20.000 - 21.000 đồng/kg. Theo các hộ nuôi, nguyên nhân giá cá tăng lên là do nguồn cung thời gian qua giảm.

Ông Nguyễn Ngọc Hải - chủ hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, với những hộ nuôi nhỏ lẻ, mức giá bán hiện nay khoảng 20.000 đồng/kg thì bình quân mỗi kg cá, nông dân bị lỗ từ 4.000 - 5.000 đồng. Bởi hiện tại, giá thành sản xuất cá đang ở mức từ 24.000 - 25.000 đồng/kg.

Hiện phần lớn các hộ nuôi cá tra ở quận Ô Môn đều nuôi gia công cho doanh nghiệp xuất khẩu, có ký kết hợp đồng bao tiêu với giá bán được điều chỉnh hàng tháng theo thị trường; có đầu ra ổn định nên không sợ bị lỗ khi giá cá sụt giảm.

Tuy nhiên, do nguồn lực về vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có giới hạn nên không phải ai cũng được ký hợp đồng bao tiêu. Những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ, tự nuôi, tự bán thường chịu nhiều rủi ro và thua lỗ nặng khi giá trên thị trường giảm, đầu ra không ổn định.

Tuy giá cá tra nguyên liệu hiện tại được bán dưới mức giá thành sản xuất nhưng nhiều hộ dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ cá mới vì lợi nhuận của các năm trước rất cao. Họ hy vọng thả cá vào thời điểm hiện tại sẽ có sản phẩm bán vào dịp cuối năm với lợi nhuận cao hơn.

Theo TTXVN