Toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có đến 16 sản phẩm của 6 chủ thể được chế biến từ con tôm. Tôm Ngọc Hiển được nuôi tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn, chất lượng hảo hạng, tươi ngon nổi tiếng. Từ thế mạnh nguồn nguyên liệu, các cơ sở, hộ làm nghề không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, phát triển chuỗi giá trị từ con tôm; đồng thời, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào quy trình sản xuất, cải tiến bao bì, mẫu mã nên sản phẩm làm ra ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín, nhận được sự ủng hộ của thị trường trong nước, thậm chí được xuất ngoại sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản...
Các cơ sở sản xuất đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất để nâng cao sản phẩm (Ảnh chụp phơi bánh phồng tôm bằng nhà phơi năng lượng mặt trời ở HTX Tân Phát Lợi).
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Phát Lợi, ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây, là người tiên phong trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, làm rạng danh con tôm vùng rừng ngập mặn. Ông Chương tâm tình, ngày đầu thành lập, HTX chỉ sản xuất duy nhất một mặt hàng tôm khô. Mong muốn tận dụng hết giá trị con tôm của xứ sở, quê hương mình, không để hoang phí nguồn phụ phẩm, ông quyết tâm sẽ chế biến thêm nhiều mặt hàng khác từ con tôm.
HTX Tân Phát Lợi đầu tư nồi hấp điện để tráng bánh phồng tôm.
Nghĩ là làm, bên cạnh không ngừng tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu quy trình, kỹ thuật chế biến, ông Chương còn đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại, khép kín, tận dụng tối đa nguyên liệu từ tôm để tạo ra sản phẩm. Hơn 11 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã chế biến, cung cấp cho thị trường 16 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm được chế biến từ con tôm, gồm: tôm khô nguyên vỏ, tôm khô tách vỏ, chà bông tôm, bột tôm nêm canh, tôm ép lụi, mắm ruốc tôm, nước mắm tôm, mắm tôm chua, chả tôm, bánh phồng tôm sú, bánh phồng tôm đất và muối tôm cay. Trong số này có 7 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao OCOP, được phân phối tại 19 đại lý và các kênh phân phối lớn trên toàn quốc như: Saigon Co.op, Organica...
Gần 20 năm qua, Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền, xã Tân Ân Tây, giữ lửa nghề làm bánh phồng tôm. Tâm huyết với nghề truyền thống gia đình, cơ sở luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm làm ra, tham gia vào “sân chơi” OCOP và đã đạt chứng nhận 3 sao. Nhờ lựa chọn con tôm nguyên liệu tươi ngon, kết hợp với hàm lượng tôm cao trong bánh nên bánh phồng tôm của cơ sở có màu đỏ au, dày dặn, vị thơm ngon đặc trưng, được thị trường đón nhận, góp mặt ở nhiều kệ hàng bán lẻ trên khắp cả nước.
Ông Lê Ngọc Thạnh, chủ cơ sở, cho hay: “Ðể bắt nhịp với xu thế thị trường, cơ sở đã đầu tư thêm thiết bị, máy móc như nhà phơi năng lượng mặt trời, máy cắt bánh, máy đánh bột, máy tráng bánh, máy hút chân không... Có máy móc hỗ trợ, bánh làm ra càng chất lượng, mẫu mã, bao bì bắt mắt, sản lượng tiêu thụ cũng tăng hơn trước. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm ra khoảng 30 kg bánh. So với việc xổ vuông rồi đem tôm tươi đi bán thì cái được lớn nhất từ nghề làm bánh phồng tôm là nhân đôi giá trị con tôm xứ rừng, nâng cao thu nhập, tạo công ăn chuyện làm cho gia đình. Chúng tôi tiếp tục phấn đấu nâng hạng sao OCOP, để sản phẩm của quê hương địa đầu cực Nam vươn tầm “xuất ngoại”".
Cơ sở kinh doanh Giang Loan chọn con tôm đất nuôi tự nhiên dưới tán rừng để chế biến sản phẩm tôm khô, được thị trường tiêu thụ mạnh.
Trong số 4 sản phẩm chế biến từ con tôm, cơ sở sản xuất kinh doanh Giang Loan ở ấp Ba Nhất, xã Tam Giang Tây, đã xây dựng được 1 sản phẩm là tôm đất khô tách vỏ đạt chuẩn 3 sao OCOP. Ông Nguyễn Trường Giang, chủ cơ sở, nhận định, tôm nuôi ở vùng Ngọc Hiển, nhất là loại tôm đất có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt, dai tự nhiên, có màu đỏ gạch, đậm nét thương hiệu tôm Cà Mau nên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn dù giá thành có cao hơn những loại tôm khác. Ông cho biết, cùng với tôm khô đất tách vỏ, sản phẩm tôm khô nguyên vỏ, mắm tôm chua, bánh phồng tôm của cơ sở được thị trường đón nhận mạnh mẽ, đầu ra khá ổn định, mỗi tháng cung ứng từ 300-400 kg, tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng từ truyền thống lẫn trực tuyến trên mạng xã hội.
Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin, việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Ngọc Hiển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ðịa phương đang hình thành và phát triển vùng nuôi tôm sạch, an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn tôm nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, chứng nhận về chất lượng cung ứng cho thị trường xuất khẩu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm đặc sản, OCOP của địa phương. Kỳ vọng trong thời gian tới, ngành tôm và các sản phẩm từ tôm của huyện Ngọc Hiển nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, được nhiều thị trường tìm đến.
Theo TRÚC LINH (Báo Cà Mau)