Giải pháp xanh chống sạt lở bờ sông

07/04/2023 - 10:53

ÐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt, ngoài việc ứng phó với tình trạng sạt lở ở các con sông lớn, các kênh rạch nhỏ cũng xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Ðể khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương dùng giải pháp kè tường chịu lực, kè cọc bê tông cốt thép… nhưng đây là giải pháp tốn khá nhiều kinh phí, thi công phức tạp.

 Tìm hướng đi mới trong chống sạt lở bờ sông tại ÐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Bách khoa, Trường Ðại học Cần Thơ đã nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp chống sạt lở theo hướng xanh, tận dụng được các vật liệu phế thải để tiết kiệm chi phí…

Giai đoạn trồng cỏ tạo cảnh quan trong giải pháp bảo vệ bờ bằng túi vải địa kỹ thuật tại tỉnh An Giang. Ảnh: CTV

Theo PGS.TS Trần Văn Tỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Bách khoa, các nghiên cứu của trường đề xuất nhiều giải pháp chống sạt lở cho các kênh, rạch nhỏ theo hướng thân thiện môi trường, chi phí thấp. Ðơn cử như giải pháp túi vải địa kỹ thuật, sử dụng vỏ xe ô tô cũ, ứng dụng cọc xi măng đất gia cố mái, ứng dụng cây xanh trong gia cố mái, ứng dụng cốt liệu tro bay làm vật liệu chống sạt lở… Các giải pháp nêu trên đã được tiến hành thực nghiệm tại một số tỉnh trong vùng (An Giang, Hậu Giang…) và bước đầu cho kết quả khả quan. Không chỉ vậy, các giải pháp chống sạt lở theo hướng xanh, tận dụng được các vật liệu phế thải còn được đánh giá cao về hiệu quả về môi trường, nâng cao thu nhập người dân, phát triển du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới.

Là người trực tiếp nghiên cứu và triển khai thí điểm giải pháp túi vải địa kỹ thuật, sử dụng vỏ xe ô tô cũ trong chống sạt lở bờ sông, Ths Cù Ngọc Thắng, Trường Bách khoa, cho biết: Phương pháp sử dụng túi vải địa kỹ thuật mang đến các lợi ích như thân thiện môi trường; thi công tiện lợi, nhanh chóng; có thể trồng cỏ để tạo cảnh quan… Ðối với phương pháp sử dụng vỏ xe ô tô cũ thích hợp gia cố mái dốc, bền với thời gian và tiết kiệm chi phí. Hai mô hình thí điểm sử dụng túi vải địa kỹ thuật và vỏ ô tô cũ phòng chống sạt lở được triển khai tại tỉnh An Giang bước đầu đem lại hiệu quả bảo vệ bờ rõ rệt, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Quan sát thực tế tại hiện trường cho thấy, không có sự biến dạng lớn của đường bờ, không có vết nứt và các nguy cơ hư hỏng. Ngoài ra, các liên kết hoạt động tốt, kết cấu tổng thể ổn định như đã tính toán trong lý thuyết và quá trình thiết kế.

Các chuyên gia, nhà khoa học của Trường Bách khoa còn sử dụng tro bay từ Nhà máy nhiệt điện điện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trong phòng chống sạt lở. Loại tro này bị cuốn theo khí từ ống khói của nhà máy nhiệt điện do đốt than nhiên liệu và nếu không được thu gom, tận dụng không chỉ là sự lãng phí lớn mà còn gây tác động xấu đến môi trường. “Từ thực tế đó, chúng tôi thu thập tro bay để chế tạo thành các hạt cốt liệu hình cầu thay thế cốt liệu tự nhiên ứng dụng vào chống sạt lở mái sông. Hạt cốt liệu được chứa trong bao vải địa kỹ thuật có kích thước 0,4x0,2x0,8m và có phần đưa ra ngoài 0,5m nhằm tăng liên kết trong đất. Sử dụng các hạt cốt liệu trong chống sạt lở bờ sông có ưu điểm vượt trội là có khối lượng thể tích thấp và chịu lực tốt” - TS Trần Vũ An, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Bách khoa thông tin.

Là địa phương thí điểm ứng dụng các giải pháp xanh chống sạt lở bờ sông, mô hình chống sạt lở bờ sông của tỉnh Hậu Giang được xây dựng trên cơ sở 2 tiêu chí là chống xói mòn và tăng độ ổn định. Trong đó, việc chống xói mòn được thực hiện bằng lớp chắn sóng vải địa kỹ thuật, với chiều cao hơn mực nước sông lớn nhất 20cm, lớp chắn sóng tiếp theo là các lớp cây bần, tràm. Ngoài ra, mái bờ được tăng độ ổn định bằng trồng các hàng cây tràm dọc mái bờ, cây sả và cây hoàng yến trên mái bờ. Ðối với mái bờ không ổn định được gia cố bằng bao vải địa kỹ thuật chứa hạt cốt liệu từ tro bay.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Mô hình triển khai tại vùng có chênh lệch triều không cao (huyện Phụng Hiệp) và chênh lệch triều cao (huyện Châu Thành). Qua đó cho thấy, mô hình xanh chống sạt lở rất hiệu quả ở khu vực có chênh lệch triều thấp, mái bờ rất ổn định và có hiện tượng bồi lắng mái bờ. Ðối với vùng chênh lệch triều cao, mô hình có tác dụng hạn chế sạt lở, nhưng hệ cây bần, tràm dưới sâu khó phát triển, có nơi không phát triển được”.

Có thể thấy, giải pháp chống sạt lở bằng kè bê tông kiên cố đang được áp dụng phổ biến tại các địa phương vùng ÐBSCL. Tuy nhiên, giải pháp này tốn khá nhiều kinh phí nên chỉ có thể thực hiện ở những nơi tập trung dân cư, đô thị, góp phần chỉnh trang đô thị; khó nhân rộng trên trên các tuyến sông, kênh vùng nông thôn. Vì vậy, người dân nông thôn thường chống sạt lở bằng vật liệu địa phương (kè sinh thái từ tràm, bần…) do kinh phí thấp, dễ thực hiện, huy động sức dân, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống sạt lở chưa cao, do chưa có cơ quan chuyên môn, chuyên gia xây dựng quy trình, cách làm đúng kỹ thuật. Vì vậy, theo ông Ðinh Công Sản, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, sự chung tay từ các chuyên gia, nhà khoa học để cố vấn, định hướng và hỗ trợ kỹ thuật tối ưu hóa các giải pháp nêu trên là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các giải pháp xanh chống sạt lở bờ sông của Trường Bách khoa cũng cần phân loại giải pháp nào thích hợp để phòng và giải pháp nào thích hợp cho chống sạt lở cho từng nhóm kênh rạch để các địa phương tham khảo, thực hiện.

Theo ông Trần Thanh Toàn, để phát huy và nhân rộng các kết quả đạt được, các địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò cộng đồng trong ứng dụng các giải pháp mới ứng phó sạt lở; xây dựng tiêu chí “con sông đẹp” đi đôi với “con đường đẹp” trong quá trình phát triển giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các giải pháp nêu trên cũng cần có sự cân nhắc sao cho phù hợp với nguyên tắc “4 đúng”: đúng vùng, đúng kỹ thuật, đúng lúc và đúng đối tượng.

Theo Báo Cần Thơ