
Du lịch Hậu Giang cần những chính sách hỗ trợ mới để bứt phá trong tương lai. Ảnh: B.N
Tỉnh đã có chính sách gì hỗ trợ phát triển du lịch ?
Nghị quyết 26 HĐND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2020-2024 và Nghị quyết 24 sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị quyết 26, đã tạo điều kiện, mở rộng phạm vi áp dụng, để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận, đầu tư và hưởng lợi. Trong đó, có 4 nội dung cơ bản doanh nghiệp đầu tư về du lịch được hỗ trợ. Đầu tiên là hỗ trợ xây dựng khách sạn đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, mức hỗ trợ từ 1,5 tỉ đồng đến 4 tỉ đồng/dự án. Tiếp đến là xây dựng nhà hàng kết hợp bán đặc sản, đồ lưu niệm, quà tặng du lịch Hậu Giang, hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án. Thứ ba là xây dựng khu mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, tối đa 100 triệu đồng/dự án.
Nội dung thứ tư, cũng là nội dung được các hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn quan tâm là hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng với 2 nội dung là kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách thuê với nội dung mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc. Định mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/dự án.

Homestay Mương Đình là một trong hai doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2020-2024.
Ngoài ra, còn có nội dung hỗ trợ 1 lần với 50% lãi suất với số nợ vay tối đa 2 tỉ đồng. Đây cũng là nội dung mà các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn đăng ký và trong thời gian qua, có 2 hộ kinh doanh được xét hỗ trợ với số tiền gần 80 triệu đồng...
Tiếp tục tháo gỡ, mở hướng để tương lai có chính sách tốt hơn
Với 4 nội dung hỗ trợ dành cho những dự án mới, ngắn gọn, dễ áp dụng, Nghị quyết 26 của HĐND tỉnh được đánh giá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh thời điểm nghị quyết ra đời. Tuy nhiên, đến năm 2023, cơ quan chuyên môn đã đánh giá lại những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết, đã đề xuất sửa đổi, bổ sung bằng một nghị quyết mới, mở rộng điều kiện cho những dự án mới trước đây, giờ thêm những dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp để nâng hạng, đạt chuẩn. Từ việc mở rộng này, các doanh nghiệp từng bước tiếp cận và đã có 2 hộ kinh doanh, 5 hộ đăng ký xét, được hỗ trợ, là hộ kinh doanh Homestay Mương Đình (huyện Châu Thành A) và Lam Tuyền (thành phố Vị Thanh).
Theo chia sẻ của các hộ kinh doanh này, dù đã mở rộng, nhưng việc tiếp cận và các thủ tục không dễ, tốn nhiều thời gian. Những vướng mắc chính là thông tin chưa đủ, chưa sâu; vướng về thủ tục đất đai, bởi đa phần là đất nông nghiệp, các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy... chưa đảm bảo nên chưa đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, và phục vụ khách du lịch theo quy định của Luật Du lịch...
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân về nội dung và điều kiện hưởng chính sách ở một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời, phần lớn nhân sự phụ trách công tác du lịch ở địa phương thay đổi, thiếu kinh nghiệm... Một thực tế là người dân tại địa phương kinh doanh du lịch nhỏ lẻ, tự phát, đầu tư theo khả năng, chưa có định hướng kinh doanh rõ ràng nên vẫn còn e ngại khi tiếp cận vì... sợ thủ tục.
Những khó khăn đó đã làm cho một nghị quyết tưởng như rất sát với nhu cầu thực tế của một địa phương đang quan tâm đầu tư cho du lịch, lại không thu hút được sự quan tâm của hộ kinh doanh du lịch. Đây là những điều đã được nhìn nhận, đánh giá về một giai đoạn hỗ trợ đã qua, để tương lai sẽ có những chính sách chất lượng hơn, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển xứng tầm.
Theo Báo Hậu Giang