Các DN ngành Logistics trưng bày giới thiệu nền tảng công nghệ phục vụ khách hàng tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023.
Ðồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Ðộng lực tăng trưởng mới
Việt Nam đang tích cực thực hiện 2 quá trình chuyển đổi quan trọng, đó là: CÐS và chuyển đổi xanh. Trong đó, CÐS là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HÐH đất nước cũng như của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có ngành logistics. CÐS cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.... Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng chuyên đề đánh giá sâu về thực trạng, các điều kiện và định hướng phát triển hoạt động logistics hiệu quả, bền vững trong bối cảnh tình hình mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ðồng thời, đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Công Thương lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 200/QÐ-TTg và Quyết định số 221/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Ðồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện Nghị quyết số 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Các địa phương trong vùng ÐBSCL nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, căn cứ các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ được giao để phát triển hệ thống logistics tại địa phương đồng bộ, đồng thời với rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu kinh tế tại địa phương; triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngành logistics đang đón nhiều cơ hội thuận lợi, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khẳng định vị thế về xuất khẩu đồng thời đang triển khai các chương trình, đề án lớn về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng thương mại, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Hệ thống đường sắt, đường bộ, đường cao tốc, hệ thống cảng biển, cảng hàng không... đang được rà soát, phê duyệt và triển khai thực hiện chắc chắn sẽ mang lại động lực tăng trưởng mới... Bên cạnh đó là những nỗ lực về cải cách hành chính, hoàn thiện hạ tầng logistics, góp phần cắt giảm chi phí, giảm thủ tục hành chính, tăng năng lực cạnh tranh cho DN. Các chương trình, dự án lớn cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ ngành logistics... Qua diễn đàn, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp có cái nhìn mới, động lực và niềm tin mới để tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng. Mong rằng quá trình CÐS, chuyển đổi xanh sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp vào quá trình phát triển logistics của vùng ÐBSCL và của cả nước.
Ðồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động logistics
Với vị trí địa chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập rất sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Năm 2023, ngành logistics Việt Nam đã vượt khó hoàn thành tốt vai trò là "mạch máu" của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 đạt 558,33 tỉ USD với con số xuất siêu kỷ lục 24,59 tỉ USD. Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics được dự báo đạt mức 5,5%.
CÐS trong logistics giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định logistics là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên. Mặc dù lợi ích mang lại từ CÐS là rất rõ ràng, quá trình CÐS trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và DN. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL. Do đó, cần tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà CÐS mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng. Ðồng thời, chia sẻ các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm hay, giải pháp, công nghệ mới, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động logistics, đẩy mạnh quá trình CÐS tại DN.
Ðồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Liên kết vùng, hợp tác đầu tư phát triển ngành logistics
TP Cần Thơ xác định tăng cường liên kết vùng để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong vùng và phát huy vai trò động lực của cả vùng trong thúc đẩy phát triển logistics nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Thành phố sẽ tập trung thực hiện Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, Cần Thơ có 3 trung tâm phát triển logistics phục vụ chung cho vùng ÐBSCL: Trung tâm logistics hạng II gắn với Cảng Cái Cui theo quy hoạch phát triển Trung tâm logistics của cả nước; Cụm cảng và logistics hậu cảng, KCN Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho cụm Công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh; Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường tính liên kết, kết nối với khu vực. Về đường hàng không, nâng cấp mở rộng và nâng công suất hoạt động của Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Về đường bộ, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác 3 trục đường bộ cao tốc qua địa bàn TP Cần Thơ là trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ TP Hồ Chí Minh đến Kiên Giang; trục cao tốc Bắc - Nam phía Ðông TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau; trục cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Về đường thủy nội địa, tiếp tục bảo trì nạo vét 6 tuyến đường thủy nội địa cấp quốc gia và 9 tuyến đường thủy nội địa cấp thành phố. Về đường biển, thành lập Tổ công tác đối với chính sách về Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội. Xây dựng khu bến Cảng Cần Thơ trở thành cảng tổng hợp quốc gia đầu mối của khu vực (loại I) để từng bước triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển ÐBSCL (nhóm 6). Về đường sắt, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ để triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ. Tăng cường liên kết vùng để sử dụng nguồn lực toàn vùng hiệu quả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ðồng thời, tạo cơ chế để tăng cường sự hợp tác giữa các DN logistics, phát triển các DN cung cấp dịch vụ logistics đủ mạnh, cung ứng dịch vụ logistics trọn gói 3PL và 4PL liên kết hiệu quả với thị trường quốc tế. Thu hút đầu tư đối với các DN cung ứng dịch vụ logistics; phối hợp, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy liên kết theo chuỗi cung ứng và mạng sản xuất.
Theo MINH HUYỀN (Báo Cần Thơ)