Hai dự án đạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long 2021

17/12/2021 - 14:30

Tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp (KN) với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7”, do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty cổ phần Vinamit vừa tổ chức, Bến Tre đoạt 2 giải ba ở cả hai bảng gồm: Coboté - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (bảng A); C2T chuyển đổi mô hình du lịch trong mùa COVID-19 (bảng B).

Dự án Coboté - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân của Đinh Thị Hạnh Tâm.

Kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản

Vòng thi này, có tổng cộng 22 dự án tham gia, với 9 dự án ở bảng A và 13 dự án ở bảng B. Tất cả 9 dự án ở bảng A đã tập trung vào việc thuyết trình dự án, nêu ra các ý tưởng, cách thức sản xuất, hay các hoạt động kết nối, phát triển thị trường. Đặc biệt, nêu bật được giá trị nguồn tài nguyên bản địa mang lại. Trong đó, một số dự án đáng chú ý, có những yếu tố mới, sáng tạo như: Thịt thay thế - Meat substitute (TP. Hồ Chí Minh), Sợi lá dứa ECOSOI - Nguyên liệu bền vững - Thời trang cao cấp (Nghệ An), Mật chuối Tabai - Nâng cao giá trị trái chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh (Khánh Hòa), Coboté - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân (Bến Tre)…

Dự án Coboté - Ứng dụng giá trị dừa vào sản phẩm chăm sóc cá nhân của bạn Đinh Thị Hạnh Tâm. Theo Hạnh Tâm, là người con Bến Tre có nhiều năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm mới từ dừa, Tâm nhận thấy dừa Bến Tre cần được công nhận về giá trị, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là lý do Coboté ra đời với tôn chỉ “chăm dưỡng vẻ đẹp tự nhiên từ dừa”, tối đa hóa nguyên liệu địa phương trong 1 công thức hoàn hảo tạo nên giải pháp chăm sóc cá nhân tốt nhất cho người sử dụng.

“Thay vì hình ảnh “sản phẩm nông nghiệp”, Coboté hướng tới việc xây dựng 1 nhãn hiệu mỹ phẩm thiên nhiên hiện đại và hợp xu hướng. Coboté hoàn toàn có khả năng phục vụ một thị trường lớn hơn. Định hướng trong tương lai gần, các sản phẩm của Coboté sẽ tiếp cận thị trường quốc tế…”, Đinh Thị Hạnh Tâm chia sẻ tại cuộc thi.

Hoạt động thích ứng tình hình dịch COVID-19

Khác với bảng A, 13 dự án vào chung kết ở bảng B nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng KN. Đây là bảng thi có hàng loạt thí sinh nặng ký, từng đạt giải thưởng cao trong những mùa thi trước. Từ những câu chuyện của các dự án, cho thấy dịch bệnh tràn qua khiến không ít DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN tìm cách để tái định hình các hoạt động, chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi cách truyền thông, nâng cấp sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí… để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dự án du lịch C2T của Võ Văn Phong

Dự án du lịch C2T của Võ Văn Phong

Trước tình hình dịch COVID-19 đã tác động đến ngành du lịch, Công ty Du lịch C2T Bến Tre cũng rơi vào khủng hoảng trầm trọng như: không còn khách, tour, không còn doanh thu, không còn tiền trả lương nhân viên… Tuy nhiên, C2T biến thách thức thành cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh thích ứng trong hoàn cảnh mới, đó là tận dụng lợi thế về truyền thông, công nghệ, mạng xã hội… Công ty kết nối khách hàng sẵn có và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như gà, vịt, rau củ quả, tôm, cá. Cách thức của C2T là đi chợ hộ, giúp khách hàng có những thực phẩm sạch, tiện lợi tại chỗ. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân nhà trọ; hỗ trợ từ thiện và giúp đỡ từ thiện…

“Du lịch C2T có 15 ngàn khách hàng, trên Facebook có khoảng 200 ngàn người theo dõi. Giải cứu 8,5 ngàn con vịt, 4 ngàn con gà, 270 con heo, 50 ngàn trứng gà… Tất cả nhân viên du lịch cũng chuyển qua làm shipper giao hàng…”, anh Võ Văn Phong kể.

Dự án du lịch C2T của Võ Văn Phong (Bến Tre) là dự án từng đạt giải nhất mùa thi 2018. Theo nhận định của Ban giám khảo cuộc thi, trở lại cuộc thi lần thứ 7 năm 2021, dự án đã nói lên quá trình vượt khó của mình trong việc linh hoạt chuyển hóa sản phẩm, mô hình kinh doanh phù hợp. Từ đó, giúp DN KN ở lĩnh vực du lịch vẫn đứng vững và phát triển.

Cuộc thi KN đồng bằng sông Cửu Long 2021 là hoạt động thường niên, nhằm tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo, khơi gợi tinh thần KN, dám nghĩ dám làm và quyết tâm thành lập DN của giới trẻ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, các sinh viên đã và đang có ý định KN từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, phát triển số lượng DN có hàm lượng công nghệ cao, gia tăng đội ngũ doanh nhân trẻ năng động, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái KN cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)