Hấp dẫn ẩm thực của người Hoa!

06/11/2018 - 07:52

 - Người Hoa có nhiều món ăn trở nên quen thuộc, gần gũi và được thực khách đón nhận như một phần không thể thiếu trong đời sống. Chính sự hội nhập đã giúp nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, trong đó phải kể đến ẩm thực đã hình thành hàng ngàn năm trong dòng chảy văn hóa Việt.

Sự giao thoa, hòa nhập của ẩm thực người Hoa ở Việt Nam dễ thấy nhất là sự hòa quyện giữa hương sắc, mùi, vị, xem trọng tính bổ dưỡng và phong phú trong cách chế biến các món ăn. Xuất hiện trên bàn ăn của người Việt từ rất lâu, ẩm thực của người Hoa rất xem trọng tính nóng - hàn trong cách chế biến. Điều này cho thấy, ẩm thực của người Hoa mang nhiều nét tương đồng với ta trong quan niệm và được hòa nhập tốt trong xã hội Việt. Thế nên, những quán ăn theo phong cách ẩm thực của người Hoa xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút sự quan tâm của nhiều thực khách. Ở TP. Hồ Chí Minh còn có hẳn những khu phố Hoa với rất nhiều món ăn hấp dẫn, phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách Hoa và người bản địa. Có thể gọi tên một vài món “thịnh hành” ở nước ta, làm “say lòng” bao thực khách như: vịt quay Bắc Kinh, mì vịt tiềm, giò heo tiều, cháo tiều, hoành thánh, há cảo, sủi cảo... Ở khía cạnh nào đó, tên gọi của chúng vẫn rất “Hoa” nhưng ít nhiều đã được thuần Việt, từ cách chế biến đến hương vị để phù hợp với khẩu vị người Việt.

Món mì vịt tiềm

Rong ruổi trong những chuyến công tác của mình, có lần tôi tình cờ gặp ông Ngan Minh Nhơn (ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn). Khi nhắc đến ẩm thực của người Hoa, ông  hào hứng chia sẻ rất nhiều về tên gọi các món ăn cũng như sự phổ biến của chúng. Theo ông Nhơn, ngoài những món của người Hoa vừa kể, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến cơm chiên Dương Châu. Đây là món cơm rất ngon, bổ dưỡng, dễ chế biến. Ở nước ta, cơm chiên Dương Châu quen thuộc đến nỗi người lớn hay trẻ nhỏ đều rất thích. Điểm đặc trưng của món ăn này là sự hòa quyện tinh tế giữa màu sắc và nguyên liệu. Chỉ là cơm được trộn với đậu hà lan, cà rốt, thịt bầm, trứng chiên... được nêm nếm vừa miệng, mà món ăn này có mặt từ các nhà hàng sang trọng đến quán ăn bình dân nhất.

Bánh bò bánh tiêu

Nói đến ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam lại càng không thể không nhắc đến món mì vịt tiềm trứ danh. Ở An Giang, có nhiều quán mì vịt tiềm, tuy món ăn này có giá hơi nhỉnh hơn nhưng lại rất đông thực khách “truy lùng” vì độ hấp dẫn của nó. Sợi mì trứng được trụng vừa chín có màu vàng ươm nằm đợi chờ trong chiếc tô to tròn, nước súp thơm lừng, dậy mùi tiềm bổ dưỡng, cuối cùng là thịt vịt tiềm, được ướp gia vị thấm đẫm nghe như tan chảy ở đầu lưỡi. Tất cả đã tạo nên hương vị đậm đà, đặc trưng của món ăn bổ dưỡng, lôi cuốn ấy. “Nghe nói đến món ăn này khá lâu nhưng đây là lần đầu tôi được thưởng thức. Mì giữ được độ dai cần thiết, thịt vịt mềm thơm hòa với nước tiềm, “đánh thức” vị giác lúc nào không hay. Tuy giá hơi cao nhưng hoàn toàn xứng đáng vì thịt vịt rất nhiều”- cô Võ Thị Phỉ (54 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Bên cạnh những món ăn “sang chảnh”, ẩm thực của người Hoa có nhiều món rất bình dân, in đậm trong miền ký ức của nhiều người. Trong số ấy phải kể đến 2 loại bánh quen thuộc là bánh tiêu và bánh giò chéo quẩy. Ở Long Xuyên, một trong những con đường ẩm thực náo nhiệt nhất khi về đêm là đường Lê Minh Ngươn (phường Mỹ Long). Tại một góc nhỏ thôi, tôi bắt gặp chiếc xe bánh tiêu luôn tấp nập khách ra vào. Người bán này đã gắn bó với nghề bán bánh tiêu hơn 20 năm. Ngày nào cũng vậy, trễ lắm là 21 giờ, bánh của anh đã hết sạch. Với nguyên liệu là bột mì, thêm phần bột nở nhiều hơn, kèm muối, dầu ăn, đường, mè trắng.

Một quán thức ăn của người Hoa được lòng nhiều thực khách ở TP. Long Xuyên

Vậy đó, khi chiếc bánh tiêu phồng lên trong chảo dầu nóng lại dậy lên mùi thơm khó cưỡng. Bánh sau khi chiên to bằng cái chén, ngoài giòn thơm, trong xốp mềm với vị ngọt ngọt, mặn mặn. Người Việt từ lâu đã quen ăn kèm bánh tiêu với bánh bò, sự kết hợp này là một sáng tạo độc đáo, làm tăng thêm độ hấp dẫn cho món bánh tiêu bình dân. Vậy là cụm từ “bánh bò bánh tiêu” vui tai ấy đã trở thành tiếng rao quen thuộc trong ký ức tuổi thơ của nhiều người. Nói về chiếc bánh giò chéo quẩy, nguyên liệu không khác gì bánh tiêu là mấy nhưng không có mè trắng. Song, món bánh này lại cực hơn trong quá trình chế biến. Bột bánh tươi được cán mỏng và dài khoảng 30cm, người làm bánh kẽ giữa để bánh tách làm 2 mảnh dính nhau và chiên trong dầu nóng. Ngoài ăn không, món giò chéo quẩy được ăn kèm với cháo lòng hay phở là tuyệt nhất!

Vậy đó, ẩm thực của người Hoa ở Việt Nam mang đặc trưng rất riêng, không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn, uống của người Hoa, mà còn cả người Việt trong suốt dòng chảy của ẩm thực.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN