Hậu Giang: Các lĩnh vực ngành công thương đã phục hồi và tăng trưởng

15/07/2022 - 15:43

Sáng ngày 14-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành công thương. Cùng dự tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang còn có lãnh đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng huyện, thị xã, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Cục Quản lý thị trường Hậu Giang.

Sáu tháng đầu năm, nền kinh tế có bước phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng, các lĩnh vực ngành công thương đều có giá trị tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,48% so với mức tăng chung của nền kinh tế. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ. 61/63 tỉnh, thành có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ. Các nhóm ngành sản xuất có sự phục hồi nhanh. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỉ USD. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu.

Về thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực, hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỉ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các địa phương đã tích cực triển khai chương trình khuyến mại, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng,

Sáu tháng đầu năm 2022, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên xu hướng tăng giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến sức mua và nguồn cung trong nước. Bộ Công thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, làm việc với các đơn vị sản xuất lớn thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) được đảm bảo. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại…

Bộ Công thương còn chỉ ra các “điểm nghẽn” như một số địa phương trọng điểm công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy được đà tăng trưởng như trước khi có dịch Covid-19. Việc nối lại thị trường nước ngoài, chuỗi cung ứng đã rất tích cực nhưng vẫn chưa trở lại bình thường. Sức mua thị trường trong nước được khôi phục trở lại nhưng chủ yếu tiêu thụ vẫn tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu. Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp, hạ tầng thương mại xét về tổng thể vẫn còn lạc hậu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong 6 tháng cuối năm tiếp tục ưu tiên các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa các nguồn cung, đa dạng thị trường, từng đơn vị, bộ phận phải có trách nhiệm và chủ động. Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách tài chính, tiền tệ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung các ngành logistics, điện, dầu khí, cơ khí, chế tạo... để tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp. Phối hợp với các địa phương xây dựng chiến lược, đề án phát triển công nghiệp thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh làm cơ sở để triển khai. Về ngoại thương cần tăng cường hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng tiếp cận thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu kết hợp nhuần nhuyễn hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Đẩy nhanh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch. Thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm. Về thị trường trong nước, cần bám sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng “sốc” về giá hay đứt gãy về nguồn cung diễn ra.

Theo Báo Hậu Giang