Hậu Giang: Cảnh giác cao với tội phạm lừa đảo

15/12/2023 - 15:33

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động ngày càng manh động, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, đánh vào nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn.

A A

Nhóm 5 đối tượng tham gia lừa đảo người dân thông qua việc mua hàng trả góp.

Thời điểm cuối năm, dự báo loại tội phạm này sẽ gia tăng, vì vậy người dân cần nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng.

Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 5 đối tượng trong nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Đặng Văn Sang (sinh năm 1980), ngụ xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh cầm đầu.

Trước đó, vào cuối năm 2021, bà Lại Thị Út Em, ở huyện Long Mỹ được một người quen rủ đi vay tiền mua hàng trả góp mà không cần trả lại. Trong lúc khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, bà Em đi theo đối tượng đến một cửa hàng điện máy ở thành phố Vị Thanh cung cấp giấy chứng minh, chọn gói vay mua hàng rồi nhận 7,8 triệu đồng và đưa lại hàng đã mua cho đối tượng trên.

Thấy bà Em và nhiều người cùng xóm kiếm tiền quá dễ, sau nhiều lần chần chừ, tháng 12-2021, ông Phan Văn Bi đi cùng đối tượng trên đến thành phố Vị Thanh mua điện thoại trả góp rồi nhận được 6,8 triệu đồng đúng như những gì người dẫn đi đã nói.

Bà Em, ông Bi cùng với gần 20 trường hợp khác là nạn nhân trong màn kịch do Đặng Thanh Sang cùng đồng bọn dựng lên để lừa đảo những người dân nhẹ dạ, cả tin được các đối tượng dẫn đi mua hàng trả góp để được nhận tiền “hỗ trợ Covid” mà không biết rằng mình đã ký hợp đồng vay trả góp với các công ty tài chính.

Hồ sơ vụ án cho thấy, vào khoảng cuối năm 2021, Đặng Văn Sang, trú tại ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến thấy gần nhà mình có cửa hàng điện máy xanh, thế giới di động... Các cửa hàng này thường ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác kinh doanh, mua hàng trả góp với các công ty tài chính như Home Credit, FE Credit.

Qua tìm hiểu, Sang biết thủ tục mua hàng trả góp giữa các cửa hàng với các công ty trên thường rất đơn giản, người mua chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, bằng lái xe và số điện thoại của người thân, sau đó đến chụp ảnh chân dung là có thể làm hồ sơ vay tiền mua hàng trả góp. Người vay không phải ký vào bất kỳ giấy tờ gì và chỉ phải trả trước 20-30% giá trị sản phẩm, nên Sang đã nảy sinh ý định tìm người đứng tên hợp đồng vay để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các công ty tài chính.

Để thực hiện được ý định của mình, khoảng tháng 12-2021, Sang thỏa thuận cùng Nguyễn Thanh Cù, Huỳnh Sai, Nguyễn Tân Cương, Phan Thị Hồng Phượng đưa ra các thông tin gian dối để lôi kéo người dân tại thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ,… đem chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đến các cửa hàng điện máy xanh, thế giới di động để làm hồ sơ như “Có chương trình hỗ trợ làm hồ sơ mua sản phẩm mà không cần trả lại tiền gốc, tiền lãi; làm hồ sơ mua hàng không lấy sản phẩm chỉ lấy tiền không cần trả lại hay có nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ dịch Covid-19, hỗ trợ người nghèo...”.

Các đối tượng sau đó lập các hợp đồng mua hàng trả góp giữa người dân với các công ty tài chính để mua các sản phẩm là điện thoại, ti vi, máy lạnh,… có giá trị cao. Sau đó, Sang trả cho mỗi người đứng tên hợp đồng số tiền từ 5-7 triệu đồng, rồi lấy các sản phẩm người dân đã mua đem về bán cho các cửa hàng khác, với giá thấp hơn giá mua tại cửa hàng từ 20-30%, nhằm hưởng lợi từ 2-3 triệu đồng/trường hợp.

Về phía người dân, sau khi nhận tiền của Sang một thời gian thì liên tục bị các công ty tài chính liên hệ yêu cầu thanh toán khoản trả góp. Đến lúc này, người dân mới vỡ lẽ bị nhóm của Sang lừa.

Anh Nguyễn Văn Triều, ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, cho biết: “Sau khi nhận tiền của Sang, vài tháng sau, tôi liên tục bị công ty tài chính gọi điện nhắc nợ, đến lúc này biết mình bị Sang lừa, tôi bấm bụng vay 25 triệu đồng để thanh toán toàn bộ hợp đồng trả góp chiếc điện thoại mà cả đời tôi cũng chẳng dám mua”.

Còn bà Trần Thị Kiều, cùng ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Ban đầu, tôi nghe lời Sang rằng mùa dịch nên có công ty ở nước ngoài tài trợ cho vay rồi không lấy tiền của bà con nên tôi tin tưởng nghe theo, sau này tôi mới vỡ lẽ ra không ai cho không mình cái gì hết”.

Theo Công an tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có nhiều vụ lừa đảo tinh vi thông qua mạng xã hội, hoặc làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu,… từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

Theo các cơ quan chức năng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng mạng xã hội, internet và các hoạt động giao dịch trên không gian mạng để lừa đảo tinh vi. Các đối tượng đã nhằm vào xu hướng hiện nay của người dân, phần lớn sử dụng thiết bị công nghệ trong giao dịch, mua bán và trao đổi hàng hóa, thông tin để lừa đảo. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn lợi dụng tâm lý hám lợi khi có người tặng quà, hứa hẹn “hợp tác làm ăn”, “việc nhẹ, lương cao” của nhiều người để đưa họ vào kịch bản đã bày sẵn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo đại tá Huỳnh Việt Hòa, Giám đốc Công an tỉnh, thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo sẽ đẩy mạnh hoạt động bằng nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn, chủ yếu đánh vào tâm lý của người dân. Do đó, bà con cần hết sức cảnh giác, khi gặp những trường hợp nghi ngờ thì cần nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo để được hướng dẫn, không làm theo lời đối tượng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Theo B.B (Báo Hậu Giang)