Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát thực tế dự án, để từ đó ban hành các chính sách phù hợp với quyền lợi của người dân.
Là tỉnh trẻ, cùng với các đặc điểm tự nhiên thuận lợi, Hậu Giang đang trên đà phát triển kinh tế nhanh chóng với các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông mới xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đi đôi với phát triển kinh tế là nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch và phát triển quỹ đất ngày càng cao… Đây cũng là vấn đề phức tạp bởi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của nhiều chủ thể trong xã hội, nhất là khi nhà nước triển khai công tác thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Vì thế, trong những năm qua, Hậu Giang luôn xác định việc nhà nước thu hồi đất không chỉ vì lợi ích phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, mà còn phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, cũng như các doanh nghiệp. Các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác đất, trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về đất đai.
Trên tinh thần đó, tỉnh luôn linh hoạt trong việc kết hợp các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và những quy định do địa phương ban hành theo thẩm quyền trong công tác này. Cụ thể, Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 26/2018 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 01/2020 sửa đổi một số điều Quyết định số 26/2018; Quyết định số 09/2022 quy định đơn giá nhà, công trình xây dựng để tính bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, ngay khi Luật Đất đai năm 2023 có hiệu lực thi hành, tỉnh đã triển khai lấy ý kiến đối với các dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm ban hành kịp thời với các quy định mới của Luật Đất đai để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trong đó, đáng chú ý là các dự thảo quy định về đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi là thủy sản hoặc vật nuôi khác khi nhà nước thu hồi đất; quy định về điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết, địa phương hiện có 2 tuyến cao tốc, 4 tuyến tỉnh lộ được nâng cấp và xây dựng mới. Việc xây dựng, mở rộng mạng lưới giao thông là cơ hội cho huyện phát triển. Vì vậy, thời gian qua, địa phương đã huy động các nguồn lực từ huyện đến cơ sở, triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong đó, cán bộ chuyên môn, ngày thì đo đạc, đêm về lên phương án bồi hoàn trình các cấp thẩm quyền phê duyệt; chính quyền cơ sở thì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Sau khi được tuyên truyền, vận động, hộ ông Nguyễn Văn Tám, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, sớm bàn giao gần 1.200m2 đất vườn và nhà bị thu hồi để phục vụ dự án cao tốc. “Tôi thấy đường sá được đầu tư xây dựng là lợi ích cho tỉnh, cho Nhân dân tới đây có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Do đó, khi nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi đã bàn bạc và bàn giao mặt bằng sớm cho nhà nước để việc thi công thuận lợi, không bị chậm trễ”, ông Tám chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho hay, là địa bàn triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, nên thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện chặt chẽ từ khâu kiểm kê, đo đạc, áp giá bồi hoàn và chính sách tái định cư phải thật sự chính xác, đúng pháp luật để không gây thiệt thòi cho người dân. Với những trường hợp còn khiếu nại, kiến nghị thì xem xét kỹ lưỡng, kiên trì gặp gỡ, đối thoại, vận động, giải thích để người dân hiểu và chấp hành.
Còn ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, hiện nay, việc thu hồi đất thực hiện các dự án quy mô lớn có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân. Tất cả các dự án đều được lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng để giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, trong công tác giải phóng mặt bằng còn được thực hiện theo nguyên tắc nhất quán ngay từ ban đầu, đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Có thể thấy, việc ban hành, triển khai thực hiện các chính sách kịp thời sẽ tạo sự đồng thuận, giúp nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để các dự án được triển khai thi công nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nhằm triển khai Luật Đất đai năm 2023, UBND tỉnh hiện tổ chức lấy ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, như: Quyết định ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, Quy định hạn mức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Các dự thảo văn bản trên đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để người dân tham gia góp ý.
Theo B.B (Báo Hậu Giang)