Hậu Giang: Đào tạo lực lượng kế thừa thể thao chuyên nghiệp

14/03/2024 - 10:19

Tổ chức tuyển chọn, đào tạo vận động viên trẻ đóng vai trò quan trọng, giúp thể thao thành tích cao tỉnh có được lực lượng kế cận hùng hậu, bổ sung kịp thời cho tuyến trên, tạo tiền đề vững chắc trong giai đoạn huấn luyện nâng cao.

A A

Thể thao thành tích cao tỉnh tập trung củng cố lực lượng, duy trì các tuyến vận động viên trẻ, năng khiếu, tạo thế hệ kế thừa.

Đào tạo càng sớm càng tốt

Để vận động viên có thể tranh chấp huy chương tại các giải quốc gia, từ khâu tuyển chọn đến huấn luyện phải mất 5-7 năm, tùy môn sẽ trải qua nhiều lần cọ xát, sàng lọc.

Với 13 môn thể thao thành tích cao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh có hơn 160 vận động viên, chủ yếu là lực lượng trẻ, năng khiếu, lứa tuổi 12-19. Đây là tuyến vận động viên quan trọng, dự bị nguồn lực, cung cấp tài năng để thay thế cho tuyến tuyển bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp.

Chị Lý Thị Kim Trang, huấn luyện viên bắn cung của tỉnh, cho biết: “Chúng tôi luôn tìm kiếm, kết nối với các trường học, địa phương để tuyển chọn vận động viên trẻ có tố chất đưa về đào tạo tại trung tâm. Trong thời gian nhất định sẽ kiểm tra, đánh giá lại khả năng phát triển theo tiêu chí riêng”.

Trước kia, việc tuyển chọn vận động viên năng khiếu thể thao chỉ tổ chức dịp nghỉ hè, giờ đây được diễn ra thường xuyên, liên tục. Bên cạnh căn cứ vào năng khiếu, thành tích ở các giải quần chúng, giải thể thao học đường, hội khỏe phù đổng các cấp, câu lạc bộ trong tỉnh, ban huấn luyện còn mở rộng tìm kiếm lực lượng tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.

Các đội tuyển trẻ, năng khiếu của tỉnh vài năm gần đây ghi nhận nhiều cái tên nổi bật, được đánh giá cao, có triển vọng, đoạt thành tích như Lê Minh Thư, Chu An Khôi, Nguyễn Đoàn Minh Bằng (cờ vua), Lý Trọng Nghĩa, Phan Thị Chúc Phương (cử tạ), Lý Trọng Nhân (bắn cung), Nguyễn Hoàng Sơn, Phạm Nhựt Phuyên (karate),…

Ông Lê Tấn Hảo, huấn luyện viên karate tỉnh, cho biết: “Sau thời gian tập luyện ở câu lạc bộ cơ sở, chúng tôi nhận thấy các em có tố chất để trở thành vận động viên chuyên nghiệp nên tiến hành đào tạo nâng cao. Lực đấm mạnh, thể lực, thể hình phù hợp với môn, tôi tin khi hết lứa tuổi trẻ chuyển qua vô địch, các em sẽ còn thi đấu tốt hơn”.

Vượt khó để phát huy tối đa hiệu quả việc đào tạo tài năng thể thao

Hậu Giang không có nhiều nguồn lực để đầu tư mạnh cho thể thao, chỉ đáp ứng cơ bản đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định. Do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên các huấn luyện viên luôn linh hoạt, cố gắng nhìn vào khả năng, sở trường, điểm mạnh, yếu của vận động viên và vận dụng trang thiết bị, dụng cụ tập luyện hiện có để xây dựng giáo án, bài tập phù hợp. Đồng thời, tính toán các giải thi đấu trong năm để vận động viên có cơ hội tham gia cọ xát, tăng thêm kinh nghiệm.

Khó khăn trong quá trình tuyển chọn vận động viên còn do nhiều môn không có phong trào tại địa phương như đua thuyền, bắn cung,… khiến việc lựa chọn lực lượng phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm nơi huấn luyện viên. Thông qua việc quan sát, đo thể hình, dự đoán khả năng phát triển chiều cao vận động,… Ngoài ra, các vận động viên tuyến trẻ, năng khiếu của tỉnh đa phần là học sinh. Nhưng tỉnh chưa có trường đào tạo văn hóa riêng dành cho vận động viên, đa số các em dù đào tạo theo hình thức tập trung, nhưng lịch huấn luyện phải căn cứ vào lịch học để sắp xếp phù hợp, hoặc được gửi đào tạo tại những trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.

Anh Hồ Thanh Liêm, phụ trách môn kickboxing tỉnh, chia sẻ: “Khó khăn trong tuyển chọn lực lượng trẻ là nhiều gia đình sợ con vất vả, suốt ngày chỉ tập đấm, đá. Nhiều em được dự báo đủ tố chất để phát triển nhưng gia đình không ủng hộ nên khó theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, khá đáng tiếc”.

Để giữ mạch lực lượng, thể thao tỉnh cũng chiêu mộ không ít tài năng từ các tỉnh ngoài, thậm chí có những người đã thành danh. Qua đó, mở rộng nguồn tuyển chọn, rút ngắn thời gian đào tạo ban đầu để vận động viên sớm có khả năng tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, định hướng lâu dài vẫn là ươm mầm tiềm năng từ địa phương, tận dụng nguồn lực nội tại mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã làm việc với các bộ môn, tùy theo nguồn kinh phí để cân đối lực lượng, cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vận động viên trong quá trình tập luyện, thi đấu, từng bước nâng cao chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc đào tạo tài năng thể thao”.

Làm tốt khâu tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, trẻ là yếu tố quan trọng để bổ sung lực lượng chất lượng, có chiều sâu cho tỉnh, hướng đến kết quả tốt ở các giải quốc gia, quốc tế.

Theo HỒNG NHUNG (Báo Hậu Giang)