Hậu Giang: Để người dân mua sắm hàng hóa tết an toàn

16/01/2024 - 07:47

Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa nên việc kiểm soát thị trường chặt chẽ để ngăn chặn các tình trạng buôn bán hàng gian, giả, kém chất lượng, nâng giá bất hợp lý, được ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện.

A A

Các tiểu thương đã chuẩn bị đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân mua sắm.

Nỗ lực chuẩn bị hàng hóa tết

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện khá tốt các mục tiêu nhằm phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với những kết quả đạt được tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp sớm chủ động chuẩn bị đầy đủ, kịp thời lực lượng, hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua, bao gồm cả các mặt hàng xăng dầu để chủ động có phương án hoặc đề xuất biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường và có chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bên cạnh đó, còn phối hợp với các ngành liên quan tăng cường giám sát và kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đúng pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định về giá, chất lượng hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung; sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch và công tác phòng chống dịch; thực hiện niêm yết giá theo quy định và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân trong dịp tết. Tạo điều kiên để hàng hóa lưu thông dễ dàng; hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ động đưa hàng hóa về bán phục vụ Nhân dân các khu vực vùng sâu, vùng xa, công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Ái, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết: Chương trình bình ổn thị trường với các nhóm hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu cho người dân những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như lương thực (gạo, mì gói, lương khô...), đường cát, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống)… Các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... Ngoài ra, còn có các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Ngành công thương đã vận động các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường, khi thị trường có biến động thì lượng hàng hóa này giải quyết được nhu cầu tại chỗ. Tình hình chuẩn bị tết tại các địa phương gồm tổng giá trị hàng hóa tại 8 huyện, thị xã, thành phố dự kiến ban đầu dự trữ để buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh khoảng 489,9 tỉ đồng, tăng khoảng 39,9 tỉ so với năm 2023.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát

Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, nước giải khát, xăng dầu, gas (LPG), động vật và sản phẩm chế biến từ động vật..., không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho Nhân dân. Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến...

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết sẽ phối hợp với Sở Công thương và các địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt heo và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh trình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, thủy sản phục vụ người dân mua sắm, tiêu dùng trong dịp tết.

Thành phố Vị Thanh là trung tâm mua sắm của tỉnh nên lượng hàng hóa được tăng cường trong dịp trước, trong và sau tết rất lớn. Vì vậy, ngành chức năng thành phố Vị Thanh cho biết sẽ tăng cường tuyên truyền vận động doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh trên địa bàn thực hiện văn minh thương mại, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Bán hàng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không mua bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Ngành chức năng sẽ tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh... Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính. Chủ động phương án, kế hoạch bảo đảm đủ phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp tết thuận tiện, an toàn. Tập trung kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phục vụ tết, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 11 doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa là khoảng 3.939 tỉ đồng, tăng khoảng 3.607 tỉ đồng so với năm 2023. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lương thực thực phẩm (gồm siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh, doanh nghiệp kinh doanh…) tham gia kế hoạch năm 2024 là khoảng 236 tỉ đồng, tăng khoảng 101 tỉ đồng so với năm 2023; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa năm 2024 là khoảng 3.703 tỉ đồng, tăng khoảng 3.506 tỉ đồng so với năm 2023.

Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)