Hậu Giang: Điểm tựa pháp lý của người nghèo

12/05/2022 - 14:45

Mỗi khi gặp vướng mắc về pháp lý, nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số... trên địa bàn có thể tìm tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh. Đối với họ, đây là một điểm tựa vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

A A

Một buổi truyền thông trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh.

Khi hay tin có đoàn truyền thông trợ giúp pháp lý về địa bàn, nhiều người dân ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh đã tranh thủ đến sớm. Bởi tại đây, họ được các trợ giúp viên của tỉnh thông tin nhiều quy định pháp luật mới. Đồng thời, trực tiếp tư vấn pháp luật theo yêu cầu của người dân về các lĩnh vực: dân sự, đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân gia đình…

Bà Thạch Lan, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, chia sẻ: “Tôi là người dân tộc, chữ nghĩa không nhiều. Cho nên, khi được cán bộ trong đoàn đến tận ấp trợ giúp, giải đáp thắc mắc về chế độ, chính sách cùng những vấn đề liên quan đến  chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bản thân tôi và bà con nơi đây rất vui. Hy vọng, tới đây sẽ có nhiều buổi trợ giúp pháp lý như thế này nữa”.

Với phương châm “Hướng về cơ sở”, các trợ giúp viên của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã lặn lội đến nhiều vùng quê trên địa bàn để truyền thông, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân. Thực tế, nhiều trường hợp người dân thuộc diện được hưởng chế độ chính sách nhưng lại gặp khó khăn về pháp lý kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, trong khi cơ quan nhà nước chưa giải thích, hướng dẫn một cách thấu đáo. Nhận được phản ánh, lãnh đạo Trung tâm TGPL đã phối hợp với địa phương trực tiếp gặp mặt để tìm hiểu, sao chụp hồ sơ, xác minh rõ đối tượng được trợ giúp.

Ông Ngô Nhật Linh, Trợ giúp viên, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, chia sẻ: “Hiện nay, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh chưa hiểu biết sâu rộng về pháp luật. Mỗi khi vướng mắc pháp lý nảy sinh, phần lớn người dân đành ngậm ngùi chịu thiệt thòi. Trước thực tế ấy, đối với mỗi vụ việc tham gia trợ giúp, chúng tôi đều nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, tư vấn tận tình để tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng yếu thế”.

Theo Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, trong những năm qua, trung tâm đã kịp thời hỗ trợ nhiều trường hợp hộ nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số... Thông qua các hình thức như: truyền thông trợ giúp pháp lý; tham gia bào chữa; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; tư vấn pháp luật tại trụ sở, các chi nhánh hoặc điểm tư vấn miễn phí… Điều đáng nói là các đối tượng được trợ giúp pháp lý không hề mất một khoản chi phí nào. Sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, tránh gây oan sai cho người vô tội và để lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Đặc biệt, trung tâm còn chú trọng đến công tác truyền thông về TGPL ngoài trụ sở tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động truyền thông, trợ giúp pháp lý lưu động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận với pháp luật; giúp người dân được hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc về chính sách; kịp thời giải tỏa những bức xúc ngay tại cơ sở.

 Theo ông Vũ Anh Quân, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thời gian qua, đội ngũ trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cùng đội ngũ cộng tác viên đã nỗ lực không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ. Điều ý nghĩa nhất là hoạt động TGPL đã giúp người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số… có thêm chỗ dựa tin cậy, được tiếp cận với dịch vụ pháp lý một cách thuận lợi, qua đó có điều kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Để thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng TGPL trong thời gian tới, theo ông Vũ Anh Quân, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh sẽ chủ động và kịp thời tham mưu cho Sở Tư pháp trong công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng để đẩy mạnh hoạt động TGPL đến đúng đối tượng theo quy định. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ trợ giúp viên giỏi nghiệp vụ, kinh nghiệm tố tụng, trách nhiệm với công tác và hướng về cơ sở, tạo niềm tin của người dân về hoạt động TGPL miễn phí trên quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cũng như sự hài lòng của người được TGPL.

Theo Báo Hậu Giang