
Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi nhất khi sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hậu Giang.
Động lực phát triển
Thời gian qua, Hậu Giang xác định thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư tư nhân, để sớm hiện thực hóa mục tiêu theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc.
Từ năm 2021-2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9,42%, nằm trong nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và nhóm cao của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng chiến lược, cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực; hiệu quả và sức cạnh tranh của một số sản phẩm được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ tốt hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách của tỉnh trở thành điểm sáng, tăng bình quân trên 20%/năm, thu nội địa trên địa bàn tăng bình quân mỗi năm 1.000 tỉ đồng. Sau 4 năm thu ngân sách trên địa bàn tăng 1,79 lần so với đầu nhiệm kỳ (năm 2024 là 7.520 tỉ đồng, năm 2020 là 4.197 tỉ đồng).
Tiếp nối những thành công của năm 2024, ngay từ đầu năm 2025 tỉnh đã bắt tay ngay vào công việc và trong 2 tháng đầu năm 2025 tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo theo đúng tiến độ và đúng định hướng của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 56% và số vốn tăng 93% so với cùng kỳ. Điều này khẳng định môi trường, điều kiện đầu tư tại Hậu Giang đang rất thuận lợi. Những cam kết của lãnh đạo tỉnh được thực hiện đầy đủ, trách nhiệm, hiệu quả. Công tác đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, của tỉnh được tập trung thực hiện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 20,22% dự toán Trung ương.
Trải qua 21 năm hình thành, cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, cộng đồng doanh nghiệp đã dần lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng và tầm vóc, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh có trên 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 77% vào GRDP của tỉnh. Toàn tỉnh có 322 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 185.000 tỉ đồng. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp đã và đang khẳng định được uy tín, vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Ông Lê Đức Thanh, Giám đốc Công ty HBE, đơn vị đang triển khai dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang tại địa bàn huyện Long Mỹ, chia sẻ: Trong quá trình thực hiện, dù có nhiều điều chỉnh cần phê duyệt và những biến động trong luật, tổ chức nhưng tỉnh đã kịp thời hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và tăng cường cơ chế đối thoại, lắng nghe từ cộng đồng doanh nghiệp. Sự đồng hành liên tục của tỉnh sẽ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp mà còn của cả cộng đồng”, ông Lê Đức Thanh bày tỏ.
Là ngân hàng chủ lực tại địa phương, Agribank nhận thấy đây là thời cơ để đơn vị đẩy mạnh hỗ trợ vốn, thúc đẩy đầu tư, góp phần biến tiềm năng của Hậu Giang thành động lực tăng trưởng bền vững cho khu vực. Ông Lê Viết Quyền, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hậu Giang, cho biết: “Với sứ mệnh đồng hành cùng “tam nông”, Agribank chi nhánh tỉnh Hậu Giang cam kết tận dụng thời cơ từ sự phát triển của tỉnh để đóng góp vào kinh tế - xã hội địa phương. Chúng tôi đang triển khai Đề án cho vay 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là một trọng điểm. Chương trình này cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản xuất bền vững”.
Cũng theo ông Lê Viết Quyền, đơn vị sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ tài chính đến các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề trên địa bàn tỉnh, triển khai các chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển tín dụng mảng khách hàng doanh nghiệp trong năm 2025 nhằm cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi đến các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư
Ông Phan Minh Toàn Thư, Tổng Giám đốc các dự án phía Nam, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc chia sẻ rằng, đơn vị xác định Hậu Giang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đồng thời, tin tưởng với phong cách giải quyết công việc nhanh chóng, tư duy đồng hành với nhà đầu tư và đặc biệt là Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến đầu tư tại tỉnh.
Ông Phan Minh Toàn Thư bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục cải cách, đổi mới các thủ tục hành chính, duy trì các buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tôi tin rằng sự nghiêm túc và nhất quán với chủ trương này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả làm việc của các sở, ngành và địa phương với các nhà đầu tư trong thời gian tới”.
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với những cơ hội chưa từng có. Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra không gian phát triển mới. Hậu Giang có lợi thế đặc biệt với hệ thống cao tốc hơn 100km đi qua, chiếm 1/3 chiều dài cao tốc của vùng ĐBSCL, tạo nền tảng cho sự kết nối giao thương mạnh mẽ. Đây chính là thời điểm vàng để doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tăng tốc phát triển”.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2025, Hậu Giang đặt ra mức tăng trưởng 10,14%, mức rất cao so với năm 2024; và là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá quyết tâm thực hiện đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), tạo nền tảng vững chắc bước vào giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, cũng là 5 năm mà tỉnh tập trung cao độ cụ thể hóa các nội dung trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ quan trọng này, ông Trần Văn Huyến kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đồng hành với tỉnh thực hiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số năm 2025. Đồng thời, cùng với chính quyền triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiếp tục ủng hộ tỉnh thực hiện công tác an sinh xã hội.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới, sáng tạo; nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề tương đồng; liên doanh, liên kết chặt chẽ với các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Các doanh nghiệp trong tỉnh xem nhau là đối tác của nhau để cùng nhau phát triển, hướng tới giá trị, lợi ích chung.
Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, tỉnh Hậu Giang tiếp tục “khẳng định” cam kết với doanh nghiệp”: Hậu Giang sẵn sàng chào đón và đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Nhất quán nhận thức và hành động “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, các cam kết đồng hành với phương châm “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, với quan điểm xuyên suốt “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Cam kết giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo cơ chế linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hãy nắm bắt cơ hội, cùng nhau kiến tạo tương lai, cùng với Hậu Giang thực hiện hoàn thành mục tiêu “Phát triển nhanh, toàn diện, bao trùm, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Theo Báo Hậu Giang