Bị cáo Đỗ Duy Khương đứng trước tòa.
Một ngày cuối tháng 3, chiếc xe chuyển tù nhân đỗ ở sân Tòa án nhân dân tỉnh. Người đàn ông dáng người cao ráo, cúi gằm mặt, được dẫn giải vào phòng xét xử số 2. Đó là bị cáo Đỗ Duy Khương, ra tòa với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Bước vào phòng xử, Khương dường như vẫn còn lộ vẻ mệt mỏi sau những ngày bị tạm giam. Khương năm nay trạc bốn mươi, lớn lên trong một gia đình trung nông ở huyện Long Mỹ. Sớm nghỉ học, cuộc sống tuy khó khăn, nhưng có lẽ sẽ êm đềm trôi qua với những tháng năm hạnh phúc bên gia đình nhỏ, nếu như Khương không sa vào vũng lầy của ma túy.
Mọi thứ đã thay đổi với Khương vào 29-6-2023, khi Công an huyện Long Mỹ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang Khương đang cất giấu trên người một bịch nilon hàn kín bên trong có chứa ma túy ngay tại nhà của Khương, ở ấp 5, xã Thuận Hòa.
Tiếp tục sử dụng chó nghiệp vụ, cơ quan công an phát hiện, thu giữ thêm nhiều bịch nilon và đoạn ống nhựa có chứa ma túy, hơn 260 triệu đồng cùng một số vật dụng liên quan. Qua giám định, số ma túy cơ quan công an thu giữ tại nhà Khương là ma túy đá, với khối lượng lên đến 54g.
Bước vào chỗ ngồi của bị cáo, Khương lộ rõ vẻ mặt lo âu. Trước tòa, Khương trước sau khẳng định bản thân không nghiện ma túy, cũng chưa từng thử, bởi biết rõ ma túy rất độc hại. Nhưng bản thân Khương lại chính là kẻ gieo rắc cái chết trắng cho những người khác.
Vốn quen biết rộng, Khương sẵn có các mối khách là con nghiện nên việc mua bán ma túy không mấy khó khăn. Khương khai rằng mình đặt mua ma túy từ một đầu mối ở địa phương, mỗi lần bán trót lọt thu được lợi nhuận lớn nên Khương càng dấn sâu vào con đường tội lỗi cho đến ngày phải tra tay vào còng. Trước câu hỏi: Vì sao bị cáo lại không lao động chân chính kiếm tiền mà chọn bán ma túy? Khương chỉ biết cúi đầu.
Chủ tọa: “Bị cáo cũng nhận thức được bi kịch ma túy mang lại ở làng quê của mình. Bị cáo có gia đình, có vợ, có con nhỏ… Tác hại của ma túy như thế nào, bị cáo cũng biết rồi, tại sao lại còn đi gieo rắc nó, làm khổ những người khác?
Câu hỏi của vị chủ tọa khiến bị cáo cúi đầu thinh lặng, bối rối, nhưng có lẽ Khương cũng ngầm hiểu được rằng chính ma lực của đồng tiền đã làm Khương lu mờ đi lý trí.
Trong phần tranh luận, Khương xin tòa khoan hồng, cho cơ hội để trở về với gia đình.
Vị chủ tọa hỏi: “Bị cáo còn nghĩ đến gia đình, nhớ đến cha mẹ, thương vợ con, nhưng bị cáo lại đi làm hại những gia đình khác, vậy có xứng đáng không?”.
Khương cúi đầu, trong khi bên dưới, mẹ và vợ của Khương cũng lưng chừng nước mắt.
Tại tòa, Khương có thái độ ăn năn hối cải, thành khẩn. Tuy nhiên, vị đại diện viện kiểm sát cho rằng, bên cạnh tình tiết giảm nhẹ, thì cần phải có một mức án đủ răn đe với Khương, bởi mua bán ma túy chính là reo rắc tai ương cho xã hội, nên cần cách ly Khương một thời gian dài.
Căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Khương 15 năm tù giam, theo Hội đồng xét xử đây là mức án đủ răn đe, nhưng nếu Khương cố gắng cải tạo tốt, thì sẽ sớm được sự khoan hồng của pháp luật để trở về hòa nhập với cộng đồng, gia đình.
Con đường xâm nhập của ma túy ngày càng muôn hình vạn trạng, ma túy cũng sẽ không buông tha bất kỳ ai như trường hợp Đỗ Duy Khương với những đồng tiền bẩn từ ma túy mà làm mờ lý trí!
Cứ thế, người này dẫn dụ người kia vào cuộc chơi. Có lẽ để tránh trả giá đắt trước cuộc chơi ma lực này, chỉ có cách duy nhất: Đừng bao giờ dính vào ma túy!
Theo Đ.B (Báo Hậu Giang)