Hậu Giang: Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cuộc sống

18/04/2022 - 09:18

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Hậu Giang luôn quan tâm, chăm lo và triển khai các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, giúp mọi người vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng.

A A

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố Vị Thanh đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình người khuyết tật ở xã Vị Tân.

Gắng vươn lên để có cuộc sống tốt hơn

Dẫu hai chân bị khuyết tật, đi lại rất khó khăn, nhưng ngày ngày ông Trịnh Văn Luyến, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, vẫn miệt mài lao động để không làm gánh nặng cho gia đình. Trong căn sạp nhỏ ở chợ Nàng Mau, ông Luyến cặm cụi sửa quạt gió cho khách. Ông Luyến cho biết: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, biết mình đi đứng bất tiện nên tôi chọn học nghề sửa ti vi, quạt gió... bởi công việc không đòi hỏi phải đi lại nhiều và phù hợp với sức khỏe của bản thân”. Dẫu mang khiếm khuyết cơ thể nhưng ông không bi quan, tự ti mà luôn nỗ lực vươn lên. Nhìn ông cố gắng lao động, mọi người càng khâm phục ý chí vượt khó của ông. Ông Luyến chia sẻ: “Thấy tôi tật nguyền mọi người cũng thương tình, hôm nào có khách cũng kiếm được vài chục đến hơn trăm nghìn đồng, nhưng cũng có ngày ngồi không, cứ bù qua đắp lại cũng tạm ổn”.

Đi đứng khó khăn, mỗi ngày ông Luyến phải đi xe Honda ôm từ nhà ra căn tiệm nhỏ, đến chiều thì về, công việc cứ tiếp tục ngày qua ngày. Ông bộc bạch: Đối với người khuyết tật như ông, có thể tự mình làm việc để kiếm thêm thu nhập là điều may mắn và hạnh phúc. Dẫu cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng ông luôn cố gắng, hy vọng cuộc sống gia đình sẽ được cải thiện hơn.

Còn anh Võ Văn Nên, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, bị khuyết tật ở chân do di chứng sốt bại liệt ảnh hưởng. Dù chân bị teo nhỏ, đi đứng rất bất tiện, nhưng anh gắng bỏ qua mặc cảm, vượt khó khăn của bản thân để học nghề, tự lo cho bản thân. Sau 2 năm học nghề sửa điện cơ ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh trở về quê và mở tiệm tại nhà. Anh Nên bộc bạch: “Có thể kiếm tiền từ chính sức lao động của mình giúp tôi xóa đi suy nghĩ bản thân là gánh nặng của gia đình và xã hội”.

Cùng với ông Luyến, anh Nên, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực, cố gắng lao động để có cuộc sống tốt hơn. Toàn tỉnh hiện có trên 15.900 người người khuyết tật.

Ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Dẫu mang khiếm khuyết cơ thể, nhưng người khuyết tật đừng tự ti, mà phải luôn cố gắng, vì chỉ có cố gắng mới giúp mọi người vượt lên số phận, góp phần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.

Nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ người tàn tật, Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy: Toàn huyện có gần 2.000 người khuyết tật. Thời gian qua, địa phương luôn thực hiện đúng, đủ các chính sách với người khuyết tật. Đồng thời, thường xuyên khảo sát, để có thể trợ giúp kịp thời những hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ thực hiện tốt các chế độ, chính sách, các cấp, các ngành và địa phương còn tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ người khuyết tật như cấp học bổng; tài trợ phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, hở hàm ếch; tặng xe lăn, xe lắc; vận động hỗ trợ nhà ở… Ông Khưu Quốc Toàn, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Tôi bị khuyết tật ở chân. Hàng tháng, tôi được nhận tiền bảo trợ xã hội, ngoài ra còn được tặng chiếc xe lắc. Từ ngày có xe lắc, tôi đi bán vé số, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn”.

Còn bà Tống Thị Đen, ở ấp 1, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh (mẹ anh bị Nguyễn Hoàng Đức bị khuyết tật đặc biệt nặng), chia sẻ: “Con tôi chẳng may bị khuyết tật, thời gian qua gia đình luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cám ơn mọi người nhiều lắm”.

Với tinh thần tương thân, tương ái cùng với sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền và chung tay của cộng đồng, xã hội đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để người khuyết tật vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Ông Huỳnh Thành Chiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Đời sống của người khuyết tật từng bước được cải thiện và nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội. Vì vậy, cùng với thực hiện tốt các chế độ, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, để người khuyết tật có thêm điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội...”.

Tính từ năm 2021 đến nay, các cấp hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh đã vận động trên 20 tỉ đồng, để chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 8 căn nhà tình thương, trao tặng gần 40.000 phần quà, tặng 100 xe lăn, xe lắc...

Tặng nhiều phần quà nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam

Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo tỉnh, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin tỉnh và các địa phương thành lập đoàn đến tận nhà để thăm hỏi, động viên và trao quà cho 300 người khuyết tật. Trong đó, huyện Châu Thành A 25 phần, thành phố Ngã Bảy 25 phần, thành phố Vị Thanh 37 phần, huyện Châu Thành 37 phần, huyện Phụng Hiệp 60 phần, huyện Vị Thủy 37 phần, huyện Long Mỹ 40 phần và thị xã Long Mỹ 39 phần. Mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng.

Theo Báo Hậu Giang