Kim Ngân, Thanh Tuấn tạo sản phẩm thức ăn cho gà con có bổ sung canxi chiết xuất từ xương cá thát lát.
Cá thát lát là 1 trong 5 loại nông sản chủ lực của Hậu Giang. Trong 6 tháng đầu năm, diện tích nuôi cá thát lát của tỉnh đạt 85ha, với sản lượng khoảng 1.500 tấn cá nuôi trồng và khai thác nội địa. Từ thịt và da cá thát lát, nhiều món ăn thơm, ngon đã được chế biến và cung cấp cho thị trường, trở thành những sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, kèm theo đó là một lượng lớn phụ phẩm từ xương cá, nếu không được khai thác sẽ phải đem bỏ đi.
Xuất phát từ thực tế trên, em Tạ Kim Ngân, học sinh lớp 12A3 và em Nguyễn Thanh Tuấn, học sinh lớp 10A8, Trường THPT Châu Thành A, đã nảy ra ý tưởng tận dụng xương cá thát lát để chiết xuất canxi. “Có nhiều loại cá cũng bỏ xương nhưng chúng em chọn cá thát lát do đây là nông sản chủ lực của tỉnh. Nếu tận dụng được nguồn phế phẩm này thì có thể góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế cho người dân và địa phương”, Kim Ngân chia sẻ.
Ý tưởng là thế, nhưng để tạo ra sản phẩm là cả quá trình nghiên cứu, thử nghiệm đầy gian nan của hai học sinh này. Xương cá sau khi thu về được xử lý bằng cách làm sạch, luộc chín, phơi khô và xay nhỏ. Sau đó, ngâm mẫu xương cá đã qua xử lý với dung dịch NaOH 5% ở 900C trong từng khoảng thời gian để so sánh và xác định 36 giờ là phù hợp nhất. Rửa sạch, sấy khô và kiểm tra các điều kiện an toàn, thành phần trong mẫu. Cuối cùng là ngâm với etanol trong 5 phút và để lắng qua 24 giờ.
Thành phẩm canxi thu từ xương cá thát lát được nhóm đem đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Cần Thơ bằng phương pháp TCVN 1526-1:2007 và xác định hàm lượng canxi đạt độ tinh khiết lên đến 97,98%. Sau khi chiết xuất canxi thành công, nhóm tiến hành tham khảo, nghiên cứu và chế biến thức ăn cho gà con, với các thành phần như: bột bắp, cám gạo, tấm gạo, bột cá, đậu xanh và đặc biệt không thể thiếu canxi từ xương cá thát lát.
Tiến hành thử nghiệm, nhóm học sinh đã nuôi 2 đàn gà con, mỗi đàn 10 con bằng thức ăn thông thường và thức ăn do nhóm sáng tạo. Kết quả, đàn gà được nuôi bằng thức ăn bổ sung canxi chiết xuất từ xương cá thát lát có tốc độ tăng trưởng, phát triển nhanh hơn. Ngoài gà con, sản phẩm canxi do nhóm chiết xuất còn có thể phối trộn để tạo thức ăn cho nhiều loại vật nuôi, hoặc ứng dụng trong các lĩnh vực khác.
Với những kết quả trên, sản phẩm đã đoạt giải nhất tại Hội thi Khoa học kỹ thuật và Stem cấp tỉnh năm học 2023-2024 và Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI năm 2024. Đó là động lực, tiếp tục khơi dậy đam mê sáng tạo của nhóm học sinh này. Em Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em có sản phẩm tham gia các cuộc thi sáng tạo và đạt được kết quả cao như vậy em thấy rất vui. Trước đây, em thường rất ngại nói chuyện trước đông người nhưng nhờ tham gia các cuộc thi vừa rồi mà em thấy mình dạn hơn. Nếu có cơ hội em sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mới để thi nữa”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ngân, giáo viên Trường THPT Châu Thành A, cho biết: “Trong quá trình hướng dẫn các em, tôi nhận thấy cả Ngân và Tuấn đều rất chủ động đưa ra ý tưởng và làm được hết các khâu. Tuy nhiên hiện nay, các em vẫn đang làm sản phẩm bằng phương pháp thủ công. Nếu được đầu tư máy móc, trang thiết bị hoặc có thời gian nghiên cứu thêm thì sẽ đạt kết quả cao hơn”. Kỳ vọng trong tương lai, sản phẩm có thể được chế biến với số lượng lớn để ứng dụng và mang lại hiệu quả trong thực tế, như mục tiêu mà nhóm tác giả đã đặt ra.
Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)