Hậu Giang: “Hiến kế” nâng chất hoạt động dân cử

09/09/2024 - 10:12

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử đã được ghi nhận tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: “Mỗi ý kiến “hiến kế” tại hội nghị giao ban thể hiện rõ tinh thần đổi mới, đột phá, khẳng định hơn năng lực, trách nhiệm của đại biểu dân cử. Tinh thần “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám hành động) cũng được thể hiện rõ trong từng hành động, đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử thời gian qua”.

Ông Trần Văn Huyến (đứng), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ghi nhận và đánh giá cao nhiều ý kiến “hiến kế” tâm huyết tại hội nghị giao ban.

Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội tại tỉnh được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Ông Mai Văn Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: “Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã kịp thời ghi nhận các ý kiến của cử tri, góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Đây cũng là một trong số trách nhiệm, nhiệm vụ cử tri trao gửi đến đại biểu HĐND các cấp”.

Hiệu quả giám sát, phản biện xã hội thể hiện rõ nét, tuy nhiên, một số nơi còn nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện, chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát, phản biện xã hội. Vì vậy, công tác này chủ yếu được tổ chức ở dạng hình thức hội nghị hay giám sát bằng văn bản; nhiều nơi chưa tổ chức được hội nghị phản biện xã hội, nhất là cấp xã. Ngoài ra, cơ sở vật chất, các nguồn lực phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn chưa tương xứng, nhất là về kinh phí và nguồn nhân lực, trong khi kinh nghiệm tổ chức giám sát, phản biện còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại… 

“Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết. Để mỗi nghị quyết ban hành đi vào thực tế đời sống Nhân dân hiệu quả thì việc nâng cao hoạt động giám sát, phản biện của mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là hết sức cần thiết. Tôi thấy làm tốt hoạt động này, sẽ giúp phát hiện các bất cập và có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ các “điểm nghẽn” kịp thời”, ông Mai Văn Tình đề xuất.

Ông Mai Văn Tình cũng kiến nghị cơ quan dân cử các cấp quan tâm nhiều hơn cho công tác hậu giám sát. Bởi thực tế, trước những kỳ họp thường lệ, kỳ họp chuyên đề diễn ra, thường trực HĐND sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri cho đại biểu. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri sau mỗi hội nghị được Mặt trận các cấp ghi nhận, tổng hợp và chuyển theo từng nhóm vấn đề đến các cơ quan chuyên môn. Trong đó, nhiều ý kiến sẽ được trả lời cụ thể ngay tại hội trường, nhưng cũng có không ít ý kiến cần thời gian khảo sát thực tế, tìm giải pháp cụ thể. Vì thế, hoạt động hậu kiểm tra, trả lời ý kiến góp ý, phản ánh từ cử tri phải được tăng cường, làm chặt chẽ hơn.

Ông Mai Văn Tình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, góp ý tại hội nghị.

Đổi mới mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả

“Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp HĐND là rất cần thiết. Hoạt động này không chỉ đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức kỳ họp theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả mà từ tài liệu có sẵn trên máy tính, giúp đại biểu xem kỹ, nhanh để có góp ý kiến nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn và chủ động hơn trong phần việc của mình”, ông Huỳnh Văn Trắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Vị Thủy, đánh giá.

Cũng theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Vị Thủy, do việc ứng dụng phần mềm “Hoạt động HĐND” vào kỳ họp ở cấp huyện mới được áp dụng trong kỳ họp giữa năm vừa qua, nên cần quan tâm tổ chức thêm các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu, hỗ trợ thêm một số thiết bị công nghệ để kỳ họp được diễn ra trơn chu, nhịp nhàng, chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, thời gian gần đây, tài liệu các kỳ họp HĐND tỉnh gửi lên khá cận ngày họp, nên cần thực hiện sớm hơn nữa để đại biểu dễ theo dõi nội dung và có thêm thời gian nghiên cứu sâu, nắm chắc vấn đề hơn.

Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A là 1 trong những đơn vị cấp xã tổ chức kỳ họp được đánh giá có nhiều đổi mới đột phá, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử. Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch HĐND xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Chúng tôi tranh thủ thời gian hoàn thành sớm công tác tiếp xúc cử tri và chủ động tổ chức kỳ họp giữa năm kỹ lưỡng, chu đáo hơn mọi năm. Lần đầu tiên trong kỳ họp, có sự tham dự của Thường trực HĐND tỉnh, các ban, ngành huyện và được phát thanh trực tiếp toàn bộ diễn biến kỳ họp thông qua hệ thống loa ở nhà văn hóa các ấp để cử tri theo dõi và triển khai số điện thoại đường dây nóng tại kỳ họp. Nhờ sự đổi mới này, đã tạo sức lan tỏa đến cử tri rộng khắp hơn, nhận được nhiều sự quan tâm, cử tri góp ý kiến nhiều hơn so với trước đây”.   

“Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề; đổi mới phương thức triển khai, tuyên truyền Nghị quyết HĐND”, là một trong những kiến nghị được ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đề xuất đến Thường trực HĐND tỉnh. Bởi theo ông Trương Cảnh Tuyên, để nghị quyết HĐND 2 cấp (tỉnh, huyện) ban hành được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, chất lượng, trong thời gian tới, cần lan toả những mô hình hay, có hiệu quả thiết thực; phát huy mạnh mẽ hơn năng lực của đại biểu dân cử. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào trong tổ chức kỳ họp không giấy; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm thực hiện chủ động hơn công tác phối hợp với các sở, ngành tỉnh để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế đã được nhận diện sớm, tôi đề nghị thường trực HĐND 2 cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tăng cường hậu giám sát thực hiện các kết luận đoàn giám sát của HĐND, đảm bảo “đi đến cùng” vấn đề. Các ban HĐND chủ động tham gia cùng cơ quan soạn thảo nghị quyết từ đầu; khảo sát trực tiếp tại cơ sở, đối tượng chịu tác động của chính sách… để mỗi nghị quyết ban hành sớm đi vào cuộc sống. Mặt khác, quan tâm ứng dụng có hiệu quả phần mềm hoạt động HĐND; đổi mới phương pháp điều hành của chủ tọa kỳ họp…”.

Đầu năm đến nay, Thường trực HĐND tỉnh thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là tổ chức thành công 3 kỳ họp, thông qua 48 nghị quyết thuộc các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thực hiện công tác tổ chức thuộc thẩm quyền; tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề; theo dõi, giám sát việc ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri 3 đợt trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh. Kết quả có 8.645 cử tri dự và phát biểu 712 ý kiến, ghi nhận 8 ý kiến thuộc thẩm quyền của Trung ương, 99 ý kiến thuộc cấp tỉnh, còn lại liên quan đến thẩm quyền cấp huyện và cấp xã. Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri được đại biểu HĐND và các ngành trả lời.

Chưa kể, kết quả thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá của HĐND tỉnh đạt chất lượng. Đối với hoạt động của HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong 7 tháng đầu năm, Thường trực HĐND cấp huyện tổ chức thành công 18 kỳ họp, ban hành 135 nghị quyết cá biệt; tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ được 24 đợt, ghi nhận 1.232 ý kiến. Qua theo dõi, các ý kiến được UBND và các ngành trả lời đạt 95,4%...

Theo CAO OANH (Báo Hậu Giang)