Hậu Giang: Hòa giải tốt để giảm tranh chấp

28/03/2023 - 16:15

Thời gian qua, công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành A được quan tâm, triển khai tích cực. Qua đó, góp phần hóa giải, hàn gắn nhiều tranh chấp, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

A A

Cán bộ tư pháp và hòa giải viên xã Thạnh Xuân cùng tìm hiểu quy định pháp luật qua chiếc điện thoại thông minh được cấp cho các tổ hòa giải.

Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A hiện có 9 tổ hòa giải, các thành viên trong các tổ hòa giải đều là những người có kinh nghiệm, uy tín, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, nắm bắt kịp thời các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn từ cơ sở để tham gia hòa giải ngay từ khi mới phát sinh. 

Năm 2022, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A xây dựng mô hình “Tổ hòa giải hai có, ba tốt” tại một số ấp trên địa bàn. Để thực hiện mô hình, các tổ hòa giải phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí “hai có” gồm hòa giải viên có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và có trách nhiệm; đồng thời phải đảm bảo “ba tốt” là phát hiện vụ việc tốt, phối hợp hòa giải tốt và tỷ lệ hòa giải tốt.

Là Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp và cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, một trong những tổ hòa giải tham gia xây dựng tổ hòa giải “hai có, ba tốt”, hơn 10 năm qua, anh Lê Hoàng Thượng cũng không nhớ mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu vụ việc trong ấp. Với anh, mỗi khi các bên ký vào biên bản hòa giải thành, xóm giềng bắt tay vui vẻ làm hòa, cuộc sống trở lại bình thường thì đó là niềm hạnh phúc của anh và những thành viên trong tổ hòa giải.

Theo anh Thượng, khi trên địa bàn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp anh Thượng và các thành viên trong tổ hòa giải luôn đến tận nơi, tìm hiểu nguyên nhân vấn đề để tìm hướng giải quyết phù hợp. Anh Thượng cho biết: “Công tác hòa giải không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhiều lúc mình phải đi tới, đi lui nhiều lần mới có thể giải quyết được vấn đề. Điều quan trọng là người làm công tác hòa giải, phải công tâm, trung thực, đặt mình vào vị trí của từng bên để hòa giải sao cho hợp tình, hợp lý nhất.

Theo anh Lê Quốc Thích, cán bộ tư pháp xã Thạnh Xuân, phần lớn các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trên địa bàn xã chủ yếu liên quan đến đất đai, tài sản, thừa kế… Nhờ phát huy tốt vai trò của mình, nên các tổ hòa giải trên địa bàn đã thuyết phục, vận động thành công các bên đi đến thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Hơn 3 năm nay, 90% đơn tranh chấp tại cơ sở của xã Thạnh Xuân được hòa giải thành, trong các ấp không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, số vụ việc phải chuyển ra tòa của xã rất ít.

Còn theo Phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, đổi mới hình thức công tác tuyên truyền pháp luật, hòa giải ở cơ sở, huyện Châu Thành A mạnh dạn đưa công nghệ thông tin vào hoạt động hòa giải. Đến nay, huyện Châu Thành A đã xây dựng mô hình trang cấp điện thoại thông minh phục vụ cho tổ hòa giải ấp, đồng thời kết nối wifi tại nhà văn hóa 79/79 ấp để các thành viên tổ hòa giải và người dân có điều kiện truy cập, tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Kết quả, trong năm 2022, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 105 đơn, hòa giải thành 102 đơn, đạt tỷ lệ 97,14%. Nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở mà trong những năm qua địa phương không có tình trạng đơn thư vượt cấp.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, cho biết hàng năm huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, cũng như bổ sung kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên, nhất là những hòa giải viên trực tiếp tham gia công tác hòa giải ở ấp. Nhìn chung, tổ hòa giải phát huy tốt tinh thần trách nhiệm của mình, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Theo Báo Hậu Giang