Hậu Giang: Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu hình thành

17/06/2022 - 10:28

Cuối năm 1958 và đầu 1959 do thất bại trong việc lập biệt khu U Minh. Mỹ - Diệm chuyển sang ráo riết thực hiện kế hoạch lập khu trù mật.

A A

Khu lưu niệm di tích Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu, tại phường I, thành phố Vị Thanh ngày nay.

Tháng 2-1959, Mỹ - Diệm đã chọn Vị Thanh - Hỏa Lựu làm điểm lập khu trù mật điển hình ở miền Nam và biến nó thành một “thành lũy chống cộng có hiệu quả”, để thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá” nhằm tách dân ra khỏi cách mạng.

Vị Thanh - Hỏa Lựu là 2 xã nằm chắn ngang con đường giao thông thủy, bộ nối liền Cần Thơ và căn cứ U Minh của ta. Đó là 2 xã có phong trào du kích mạnh trong thời kỳ kháng Pháp và có phong trào đấu tranh sôi nổi từ sau năm 1954. Là vùng đất có đất đai khá màu mỡ, đường giao thông thủy bộ, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và lưu thông. Vì vậy, địch chọn nơi đây để xây dựng khu trù mật “kiểu mẫu” cho các khu trù mật khác.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Mỹ - Diệm đã đưa về Vị Thanh tên thiếu tá ác ôn Trần Cửu Thiên là quận trưởng Long Mỹ để chỉ huy thực hiện và đề ra kỳ hạn 2 tháng, phải hoàn thành kế hoạch gom quân qui khu nhằm thí điểm lập khu trù mật điển hình ở miền Nam.

Từ ngày 18 đến 2-5-1959, bọn Trần Cửu Thiên mời tề xã, trưởng ấp về họp và ra lệnh đuổi nhà ở khu vực Vị Thanh. Ngày 20-5-1959, một đoàn 80 người gồm giáo dân và người lương, đã kéo lên tề xã đấu tranh đòi hủy bỏ lệnh và tuyên bố nếu không được giải quyết, đoàn sẽ lên tận Sài Gòn đấu tranh.

Ngày 12-9-1959, địch khởi công xây dựng khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Trung bình mỗi ngày chúng huy động từ 10.000 đến 12.000 dân công, có cao điểm lên đến 20.000 dân công. Ngoài ra, Diệm còn ra lệnh bắt nhân dân ở các tỉnh miền Tây đến làm không công.

Địch chia khu trù mật làm 4 khu chính: Khu Vị Thanh, khu Hỏa Lựu, khu giữa và khu Bắc Xà No. Toàn bộ khu trù mật có chiều dài 7km, chiều rộng lấy kinh Xà No làm trung tâm, mỗi bề rộng 2km.

Trong khu trù mật, chúng đặt nhân dân vào một hệ thống kìm kẹp cực kỳ khắc nghiệt để kiểm soát gắt gao nhân dân. Địch còn tổ chức 1 đại đội biệt kích đóng ở đầu cầu chợ Cái Nhum, 1 đại đội dân vệ canh gác vòng ngoài, bên trong chúng tổ chức Thanh niên cộng hòa thành từng cụm để canh gác, lùng sục và cùng với bọn công an, mật vụ rình rập suốt ngày dêm. Ngoài ra, còn có 3 tiểu đoàn lính cộng hòa chi viện khi cần thiết đến bảo vệ vòng ngoài và càn quét.

Trong khu trù mật, chúng quản lý hàng hóa, lương thực của nhân dân rất chặt chẽ. Người dân sống trong Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu bị theo dõi, kiểm soát 5 khâu: ra vào, đi lại, quan hệ, ăn ở, thu nhập.

Tại khu trù mật, địch du nhập lối sống đồi trụy, đầu độc thanh niên biến họ thành bia đỡ đạn cho chúng. Thực chất, khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu là một trại tập trung khổng lồ, một cứ điểm đánh phá cách mạng một cách toàn diện và triệt để.

Tháng 9-1959, Ban trị sự Cao Đài (chi phái Bến Tre) và hàng trăm tín đồ đã kéo lên trụ sở tề xã Vị Thanh đấu tranh chống cuốc phá mồ mả của đồng bào, chống đuổi nhà, gom dân. Địch phải chấp nhận nới rộng phạm vi dời nhà dân ở ven các kinh rạch nhỏ. Cũng trong tháng 9-1959, hàng trăm người ở xã Lương Tâm kéo đến Vị Thanh đòi ban chỉ huy công trình phải trả công với lý do mùa màng thất bát, gia đình túng đói và không có người làm.

Chia lửa với nhân dân Vị Thanh và Long Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ, hàng trăm phụ nữ bao quanh các chiếc tàu ở Phụng Hiệp, Châu Thành đang chở dân công đi làm khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu đấu tranh chống bắt xâu và kéo chồng con trở về, chúng ngăn cản không được.

Chi bộ Đảng xã Vị Thanh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Minh Thường là Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng (lúc này xã Vị Thanh thuộc huyện Giồng Riềng), đã lãnh đạo nhân dân xã Vị Thanh đấu tranh quyết liệt với địch chống dỡ nhà, gom dân, không đi xây dựng khu trù mật. Tổ chức in truyền đơn rãi, căng biểu ngữ trên bè chuối thả trôi trên kinh Xà No về Vị Thanh, lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch đòi ngưng đào kinh, lập khu trù mật.

Đầu năm 1959, tại khu vực ngọn Đường Cộ và Nàng Chăn, chồng của cô Mỹ, khi đi trên đồng đã bị địch bắn chết, nhân cơ hội này, ta phát động nhân dân đấu tranh lên án địch bắn chết người vô cớ và đòi địch phải bồi thường nhân mạng. Cuộc đấu tranh có khoảng 300 người tham gia, làm địch phải chùn bước. Tháng 9-1959, ta diệt tên Quẻn, đại đội trưởng và tên Lựu trung đội trưởng Thanh niên cộng hòa tại Tràm Cửu. Đầu năm 1960, ta đột nhập ngay chợ Cái Nhum diệt tên Quí, liên toán trưởng Thanh niên cộng hòa ấp Vị Thiện. Tháng 1-1960, đội du kích xã Vị Thanh được thành lập tại Đường Cộ, xã Vĩnh Hòa Hưng do đồng chí Ba Tý làm đội trưởng. Đội có 5 người, vũ khí chủ yếu là mã tấu.

Để tiến hành xây dựng khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, địch đã mở 880 cuộc càn quét lớn nhỏ ở Vị Thanh và các xã lân cận thuộc huyện Long Mỹ và huyện Giồng Riềng để bắt lính, gom hàng ngàn gia đình vào khu trù mật, với sự thiếu thốn về mọi mặt, có gần 80 đồng bào ở các nơi về làm khu trù mật bị chết hoặc ốm đau kiệt sức. Hàng trăm công vườn cây ăn trái, hàng ngàn công lúa sắp đến ngày thu hoạch bị phá hủy, hàng ngàn ngôi mộ của đồng bào bị đào xới.

Lúc này, Diệm ban hành luật 10/59 đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Bọn tay sai của Mỹ - Diệm ở Vị Thanh thẳng tay tàn sát, bắt bớ hàng ngàn người dân yêu nước, gây nên bao cảnh tang tóc, đau thương. Chỉ trong một đêm, chúng giết ở Vị Thanh - Long Mỹ khoảng 70 người. Tại voi Bần (ngang Nhà máy đường Vị Thanh ngày nay) chúng giết và chôn sống 300 người,...

Mặc dù địch rất tàn ác, khủng bố gắt gao, nhưng nhân dân Vị Thanh, với truyền thống cách mạng kiên cường đã đấu tranh quyết liệt với kẻ thù suốt hơn một tháng ròng rã. Có những gia đình bị địch đốt nhà nhiều lần, nhưng vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”, cuối cùng, địch phải đưa tên ác ôn khét tiếng Minh Thành đi từng nhà dân hăm dọa, nếu không đi, chúng sẽ vu cho là nghe theo lời cộng sản nên nhân dân mới chịu đi.

Theo Báo Hậu Giang