Huyện Châu Thành A sẽ quan tâm xây dựng thêm các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc trưng, để thu hút du khách khắp nơi.
Nhìn nhận kết quả nổi bật và những tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ…
Du lịch là một trong “4 trụ cột” quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại huyện Châu Thành A, lĩnh vực du lịch ngày càng được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là du lịch nông nghiệp nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Xác định được tiềm năng, lợi thế hiện có, huyện đã quan tâm, triển khai nhiều văn bản để đẩy mạnh hoạt động này.
Nổi bật là HĐND huyện đã thông qua Nghị quyết số 14 ngày 6-7-2022 về Đề án phát triển du lịch huyện Châu Thành A đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông. Hoàn thành bộ sản phẩm du lịch Châu Thành A. Triển khai nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Với những nỗ lực trên, “trụ cột” du lịch của huyện Châu Thành A đang ngày càng vững chắc. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số điểm tham quan du lịch nổi bật như: Homestay Mương Đình; Khu du lịch sinh thái Vườn măng cụt trăm năm tuổi; Trang trại sữa dê Ngọc Đào; Khu văn hóa đa năng Hưng Đạo,… Số lượng khách du lịch đến với huyện cũng dần tăng lên. Trong 9 tháng đầu năm, huyện đã đón hơn 100.000 lượt khách du lịch, với khoảng 98.700 khách nội địa và 1.650 khách quốc tế, tăng hơn 40.500 khách so với cùng kỳ năm 2023, mang lại doanh thu hơn 68 tỉ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, nhìn nhận: “Mặc dù chỉ tiêu du lịch của huyện có bước tăng trưởng. Tuy nhiên về mặt số lượng còn hạn chế. So với các địa phương trong và ngoài tỉnh còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của huyện. Huyện cần có những giải pháp cụ thể để phát triển du lịch bền vững hơn trong giai đoạn tới”.
Giải pháp nào cho giai đoạn tới ?
Là một người con của quê hương Châu Thành A, bà Phan Lệ Hồng luôn mong muốn góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp. Hiện bà đang ấp ủ hình thành một điểm du lịch trên mảnh đất của gia đình, nằm cạnh chùa Trường Pháp, thuộc ấp Trường Hòa, xã Trường Long A. “Tôi nhận thấy đây là một vị trí rất có tiềm năng để phát triển du lịch. Khi bắt tay vào làm thì tôi muốn đầu tư một cách bài bản để có thể thu hút và giữ chân khách du lịch”, bà Hồng chia sẻ.
Vừa qua, bà Hồng đã có dịp tham dự Tọa đàm “Tham vấn ý tưởng, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn huyện Châu Thành A” năm 2024 do UBND huyện tổ chức. Tại đây, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia, công ty du lịch lữ hành và các cơ sở du lịch trên địa bàn huyện đã cùng tham luận, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn của huyện. Từ đó, đưa ra những ý tưởng, giải pháp khả thi để triển khai sắp tới.
Ths. Lê Thị Phương, Trưởng khoa Văn hóa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, gợi ý: “Huyện nên xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc của Châu Thành A, thống nhất với định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch xanh bền vững, thân thiện môi trường. Tạo ra những trải nghiệm đáng đến, gửi gắm những nội dung đặc sắc. Văn hóa ẩm thực bản địa cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, việc thuyết minh, giới thiệu hấp dẫn, lôi cuốn, làm điểm nhấn về tên gọi, các địa danh lịch sử văn hóa lạ, sẽ giúp thu hút sự tò mò tìm hiểu của du khách về Châu Thành A,…”.
Dịp này, UBND huyện Châu Thành A còn tổ chức Chương trình khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn huyện và có 3 công ty du lịch lữ hành đã ký kết hợp tác với các cơ sở du lịch trên địa bàn huyện. Đây là tiền đề quan trọng để định hướng triển khai các tour, tuyến, tiếp tục thu hút ngày càng nhiều du khách đến với huyện Châu Thành A trong thời gian tới.
Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)