Chị Cao Thị Cẩm Nhung (bên trái) giới thiệu sản phẩm thịt thực vật từ mít tại Phiên chợ Xanh - Tử tế, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng đôi khi chưa được tận dụng hết, tiềm năng chưa thể thành nguồn lực để phát triển kinh tế vì các sản phẩm chưa đa dạng, đầu ra nông sản bấp bênh và giá cả có lúc xuống thấp. Thổi làn gió mới vào các nông sản, các dự án khởi nghiệp góp phần giải quyết bài toán chế biến và nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực trong tỉnh.
Là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh mấy năm gần đây, chị Cao Thị Cẩm Nhung, ở thành phố Ngã Bảy, vẫn xem nông sản tại quê hương là nguồn cảm hứng dồi dào. Trước đó, khai thác thị trường các món ăn vặt, chị đã cho ra đời nhiều loại nước sốt phù hợp với các món ăn từ cá thát lát, bún tươi. Từ năm 2020, bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra khiến giá cả nông sản, trong đó có mít giảm sâu, không được thu mua, chị Nhung bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm nhiều sản phẩm từ loại trái này.
“Qua các đợt tập huấn từ phong trào khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, được học hỏi quy trình bài bản từ đầu tư sản xuất tới tìm hiểu thị trường, tôi dần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng thực phẩm hiện nay là chú trọng nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe và hàm lượng dinh dưỡng cao. Các sản phẩm đầu tiên từ mít ra đời là bánh phồng mít, chả cá thát lát mít, pa-tê mít sau nhiều lần thử nghiệm, khảo sát thị trường, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp”.
Đến nay, danh sách các sản phẩm từ mít của chị Nhung kéo dài thêm như khô mít, mọc mít, snack mít. Đặc biệt là có sản phẩm còn tận dụng luôn hạt mít. Để thành phẩm đạt chất lượng cũng như mùi vị riêng, quy trình chế biến phải hoàn thiện và khép kín. Đem sản phẩm này đến cuộc thi khởi nghiệp khu vực và toàn quốc, chị Nhung đã vào đến vòng chung kết và nhận được suất tư vấn thực hành LOCALGAP. Với thành công bước đầu từ sản phẩm khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu thịt thực vật Lemit, hiện nay chị Nhung đang hoàn thiện các thủ tục và kết nối tiêu thụ ở các chuỗi cửa hàng trong nước cũng như xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm nước sốt me của chị Nhung làm ra cũng đã đạt OCOP, về lâu dài chị cũng tính đến sản phẩm từ mít này.
Sản phẩm khởi nghiệp ở Ngã Bảy ngày càng đa dạng còn nhờ sự đổi mới tư duy, quy trình sản xuất, cho ra đời sản phẩm cải tiến hơn và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tại thành phố Ngã Bảy, bún tươi truyền thống Huỳnh Đức không còn xa lạ với người dân, nhưng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo xu hướng tiêu dùng hiện đại, ông Trương Đắc Nguyện, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức - người tiếp quản doanh nghiệp gia đình có truyền thống gần 40 năm không chỉ kế thừa mà còn cải tiến và nâng tầm sản phẩm bún truyền thống.
Trước hết, dây chuyền sản xuất hiện đại được đầu tư theo quy chuẩn, bài bản, giảm được nhân công và yên tâm về chất lượng an toàn thực phẩm, sản lượng bún tươi từ đây càng khẳng định chất lượng và sau đó là bún khô dần được thị trường đón nhận. Chủ cơ sở nhiều lần trăn trở: Bún tươi đã có thị trường ổn định, muốn mở rộng thị trường và mang sản phẩm đi xa hơn cần tìm cách chế biến làm sao giữ hương vị dai ngon đặc trưng mà giá thành hợp lý, quan trọng nhất là đảm bảo an toàn. Từ nguyên liệu chủ yếu là hạt gạo, cơ sở còn “biến tấu” nhiều loại bún khô màu sắc tự nhiên, nguồn gốc từ các loại củ, quả tại địa phương như gấc, khoai lang… Nhờ đó, sản phẩm đã có mặt hơn 10 tỉnh thành cả nước, các sản phẩm bún khô từ khoai lang, bún rau, củ, quả khô được đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm bún tươi Huỳnh Đức cũng đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Thành phố Ngã Bảy đang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, trong đó có việc đa dạng hóa các sản phẩm mang tính đặc trưng, xây dựng bộ sản phẩm lưu niệm cho du khách… Các sản phẩm mới xuất phát từ ý tưởng nâng tầm nông sản quê hương sẽ là những gợi ý tiềm năng, góp xúc tiến và kết hợp quảng bá hình ảnh của thành phố hiệu quả bên cạnh các sản phẩm truyền thống trước đây.
Theo Báo Hậu Giang