Hậu Giang: Nhớ về sự kiện đánh đồn Mười Thước của du kích Vùng II

19/04/2024 - 10:01

Một trận đánh đã góp phần cho ta mở rộng vùng hoạt động cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các trận địa pháo cối của ta tập kích vào tận sào huyệt của địch; sau thất bại, địch càng hoang mang, lo sợ, buộc phải co cụm, làm cho khí thế tiến công của ta thêm mạnh mẽ.

A A

Đó là trận phục kích đánh đồn Mười Thước của du kích Vùng II (xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh - thị xã Vị Thanh xưa) vào ngày 22-10-1973.

Kênh Mười Thước ngày nay.

Nắm rõ quy luật hoạt động của địch

Thời điểm đó, kênh Mười Thước và các kênh gần đó không sâu như bây giờ, hai bên bờ kênh là vườn cây ăn trái, cây tạp, phía sau vườn là ruộng lúa; khi địch sử dụng chất độc hóa học khai hoang thì địa hình rất trống.

Tại khu vực xã Vị Tân, địch đóng rất nhiều đồn bót nhằm bảo vệ hướng Bắc Sở chỉ huy Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 (Tây thị xã Vị Thanh 1km). Đáng chú ý là đồn Mười Thước án ngữ tại ngã tư bờ Tây kênh Mười Thước và lộ 19 Tháng 8. Lực lượng trong đồn là trung đội lính nghĩa quân, quân số 20 tên, trang bị 1 khẩu đại liên, 1 khẩu M79, 17 khẩu AR15 và 1 máy thông tin PRC25.

Hàng ngày, địch cắt cử một bộ phận khoảng 2-10 tên làm nhiệm vụ tuần tra khu vực để truy tìm các dấu vết hoạt động của ta. Để bảo vệ từ xa, chúng thường tổ chức một bộ phận hoạt động lùng sục, tuần tra ra tận thị xã Vị Thanh vừa kết hợp mua hàng hóa, thực phẩm đến chiều thì rút. Nếu trời tối không về kịp chúng sẽ ngủ lại qua đêm tại thị xã để sáng hôm sau mới trở về đồn.

Đặc biệt, mỗi khi ra khỏi đồn, chúng thường bắn 2-3 quả M79, vài loạt đạn AR15 để thị uy và trở thành quy luật.

Cách đồn Mười Thước về hướng Đông 1km có đồn Nàng Chăng; cách 1km về hướng Bắc có đồn Ba Voi, lực lượng mỗi đồn 1 trung đội nghĩa quân; cách 3km về hướng Đông - Nam là Sở Chỉ huy Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 ngụy. Lực lượng địch nói trên có thể chi viện hỏa lực và cả bộ binh cho nhau mỗi khi một trong các đồn bị ta tấn công.

Thị ủy thị xã Vị Thanh và Đảng ủy Vùng II chủ trương phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc mọi hoạt động của địch. Tổ chức bao vây, phục kích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bức rút các đồn bót đóng trên địa bàn Vùng II, thị xã Vị Thanh. Bẻ gãy ý đồ bảo vệ từ xa Sở chỉ huy Trung đoàn 31 ngụy và trung tâm thị xã Vị Thanh của địch. Ngăn chặn và kiềm chân không cho địch càn quét vào khu căn cứ lõm đóng tại khu vực Ba Voi, tạo điều kiện thuận lợi cho pháo cối ta tập kích vào Sở chỉ huy Trung đoàn 31 ngụy và trung tâm thị xã Vị Thanh.

Đội du kích Vùng II có nhiệm vụ bí mật cơ động lực lượng từ vị trí đóng quân (tại Ba Voi) đến bờ tây kênh Mười Thước triển khai đội hình phục kích tiêu diệt lực lượng tuần tra của địch từ đồn Mười Thước ra hoạt động, đồng thời tổ chức bộ phận kiềm chế đồn Mười Thước; khi thời cơ thuận lợi chuyển thành lực lượng bao vây, bức rút đồn Mười Thước.

Được giao nhiệm vụ, Ban Chỉ huy Đội du kích Vùng II trực tiếp là đồng chí Đặng Minh Hùng, Đội trưởng và đồng chí Liêm, Đội phó Đội du kích Vùng II, tổ chức ngay trinh sát thực địa khu vực phục kích và đồn Mười Thước, hạ quyết tâm tiêu diệt địch.

Địch bị đánh đến không dám ngóc đầu lên

Theo kế hoạch, đúng 4 giờ ngày 22-10-1973, đồng chí Đặng Minh Hùng chỉ huy lực lượng phục kích bí mật vượt qua 2 đồn Ba Voi và đồn Mười Thước đưa bộ phận phục kích và bộ phận kiềm chế vào vị trí đúng theo quy định.

Khó khăn nhất là việc bố trí mìn Plâymo do địa hình trống trải. Nhưng cuối cùng lợi dụng đường mòn kết hợp với ngụy trang khéo léo, tổ 1 bố trí xong quả mìn Plâymo.

Đến 5 giờ, sau khi kiểm tra cẩn thận các vị trí, động viên các chiến sĩ, đồng chí Hùng trở về vị trí chỉ huy tại tổ 1 (tổ khóa đuôi) và tiếp tục quan sát theo dõi nắm địch.

Lúc 7 giờ 40 phút, tổ phục kích quan sát phát hiện 2 tên địch từ đồn Mười Thước đi ra, vừa ra khỏi đồn 30m, tên mang khẩu M79 bắn liền hai quả vu vơ về hướng Đông Nam của đồn, kế tiếp tên cầm súng AR15 bắn 2 loạt đạn.

Sau đó, chúng theo đường mòn cặp kênh Mười Thước đi về hướng trận địa phục kích, tên cầm khẩu AR15 đi trước, cách 3m phía sau là tên mang khẩu M79. Lúc này, chúng không phát hiện gì về ta.

Đến 7 giờ 55 phút, 2 tên địch vẫn không phát hiện ta, chúng bình thản đi đến cách tổ khoảng 50m. Đồng chí Hùng lệnh cho đơn vị giữ bí mật để 2 tên địch lọt vào vị trí bố trí mìn Plâymo.

Khi tên đi đầu vượt qua, tên thứ hai tiếp tục vượt qua vị trí bố trí mìn khoảng 2m thì đồng chí Hùng nhanh chóng điểm hỏa mìn nổ hất 2 tên về mé kênh Mười Thước, diệt tại chỗ tên đi sau gần quả mìn (tên mang khẩu M79), tên đi đầu gãy chân, lợi dụng mé kênh nằm xuống bắn trả 2 loạt đạn AR15 về phía ta. Sau tiếng nổ mìn, đồng chí Hùng hô xung phong, cả 2 tổ của bộ phận phục kích đồng loạt nổ súng xung phong, diệt tên còn lại.

Theo hiệp đồng, cùng thời gian mìn Plâymo nổ, tổ 3 và tổ 4 của bộ phận kiềm chế đồn Mười Thước bắn 3 quả đạn M79 kết hợp với AK và AR15 bắn kiềm chế, làm bọn lính còn lại trong đồn hốt hoảng không dám ngóc đầu lên, lúc này là 8 giờ 15 phút ngày 22-10-1973.

Sau đó, ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vây đồn Mười Thước suốt 7 ngày đêm, cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, buộc số địch còn lại trong đồn lần lượt bỏ chạy về thị xã. Ta tổ chức chiếm đồn, thu thêm 1 khẩu đại liên và nhiều quân dụng, đạn được.

Sau trận này, địch không dám trở lại đóng đồn tại vị trí cũ mà di dời xây dựng đồn mới ra đầu vàm kênh Mười Thước cho đến ngày giải phóng 30-4-1975.

Ở trận này, địch bị diệt tại chỗ 2 tên; ta thu 1 khẩu đại liên, 1 khẩu M79, 1 khẩu AR15 và nhiều quân trang, quân dụng, đạn dược. Các bộ phận rút về căn cứ và bộ phận vây đồn đảm bảo an toàn.

Bức rút đồn Mười Thước có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, kiềm chế và ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ lõm Ba Voi, bảo vệ an toàn cho lãnh đạo, chỉ huy của các cơ quan Thị ủy thị xã Vị Thanh và Đảng ủy Vùng II.

Mặt khác còn đánh bại ý đồ bảo vệ từ xa, tránh đòn tập kích pháo cối cho Sở Chỉ huy Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 ngụy và các cơ quan đầu não chỉ huy kế hoạch bình định lấn chiếm của địch ở nội ô thị xã Vị Thanh.

Ta có điều kiện thuận lợi mở rộng vùng hoạt động cách mạng, tạo điều kiện triển khai các trận địa pháo cối của ta tập kích vào tận sào huyệt của chúng.

Thắng lợi của trận đánh còn đúc rút nhiều kinh nghiệm, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ đội du kích Vùng II thực hiện hàng loạt những trận bao vây, bức rút các đồn bót địch đóng trên địa bàn xã Vị Tân sau này.

Sau thất bại trên càng làm cho tinh thần của địch hoang mang, lo sợ, buộc phải co cụm về sát khu vực thị xã Vị Thanh để đóng đồn, làm hạn chế các cuộc hành quân càn quét vào vùng căn cứ cách mạng.

Nhân dân trong vùng rất phấn khởi, yên ổn làm ăn, sinh sống. Đội du kích Vùng II tạo thêm niềm tin yêu của các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân. Từ đó, nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ đội du kích cả về vật chất lẫn tinh thần, cổ vũ, khích lệ, động viên con em gia nhập Đội du kích Vùng II chiến đấu bảo vệ quê hương…

Kênh Mười Thước giờ rộng hơn, sâu hơn, hàng ngày phục vụ người dân lưu thông hàng hóa; dân sống đều 2 bên bờ kênh, nhà kiên cố, bán kiên cố nhiều hơn nhà lá, vườn tạp được cải tạo để trồng cây có hiệu quả kinh tế cao.

Vị Tân hôm nay thay da, đổi thịt. Đầu năm 2024 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, có hệ thống đường liên xã liên ấp, đường trục chính nội đồng được tráng bê tông bằng phẳng, thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại, phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 68,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 2,4%.

Theo TRÍ THỨC (Báo Hậu Giang)