Hậu Giang: Phát huy lợi thế trụ cột công nghiệp

01/07/2024 - 10:31

Xác định công nghiệp là một trong 4 trọng tâm để phát triển, bên cạnh những lợi thế sẵn có, tỉnh tập trung tạo mọi điều kiện để “doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, mong muốn các đơn vị tiếp tục tin tưởng, tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Khó tuyển lao động

Trải qua 20 năm trưởng thành và phát triển, cùng với sự phát triển của tỉnh nhà, cộng đồng doanh nghiệp đã lớn mạnh cả về số lượng, tầm vóc và uy tín cả trong nước và quốc tế. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.499 doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh khối doanh nghiệp khoảng 77%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 18%. Kinh tế cá thể phát triển mạnh, toàn tỉnh có 53.654 hộ kinh doanh, nguồn vốn trên 7.000 tỉ đồng. Nhiều thương hiệu hàng hóa đã và đang khẳng định uy tín, vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị đối thoại giữa Chính quyền và Doanh nghiệp quý II năm 2024 mới đây, các doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần cầu thị, luôn nhất quán phương châm xem thành công của doanh nghiệp là thành quả của Hậu Giang. Trong đó, doanh nghiệp kỳ vọng Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm đi vào đời sống, tạo ra nhiều dư địa cho doanh nghiệp phát triển. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. 6 tháng đầu năm nay, đơn đặt hàng tăng cao, doanh nghiệp cần số lượng lớn lao động để phục vụ sản xuất.

Công nghiệp là một trong 4 trụ cột được tỉnh chọn để tạo đột phá.  

Ông Vũ Văn Đức, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết: Tình hình xuất khẩu của đơn vị có dấu hiệu khởi sắc trong 5 tháng vừa qua. So với cùng kỳ năm 2023, hiện nay đơn vị đang tăng trưởng trên 30% năng lực xuất khẩu. Trong 5 tháng thì doanh thu xuất khẩu đạt gần 80 triệu USD. Đơn vị hiện gặp khó khăn về sản lượng do khó khăn chung của ngành. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt của con tôm Việt Nam so với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó là khó khăn lớn về các hiệp định thương mại, rào cản thương mại, chống bán phá giá… trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang. Ảnh: H.THU

“Minh Phú hiện có 5.200 lao động, trong đó lao động Hậu Giang chiếm 40%. Số lượng lao động này mới đạt 52% so với năng lực sản xuất thực tế. Nếu phát triển sản xuất, chúng tôi rất cần lao động. Năm nay, chúng tôi định hướng phát triển chiến lược, tăng trưởng 2.800 lao động các vị trí việc làm. Mong các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ truyền thông để tuyển dụng lao động. Đây là điều chúng tôi rất cần hiện tại”, ông Vũ Văn Đức thông tin.

Còn ông Bùi Đông Thiên, Giám đốc Công ty TNHH JIA ZHI, ở thành phố Vị Thanh, chia sẻ, tình hình đơn hàng 6 tháng đầu năm nay của đơn vị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận mở rộng đầu tư, sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ông Thiên bày tỏ: “Hiện tại đơn vị đang có gần 3.000 lao động. Là ngành may, đơn vị cần tuyển lượng lớn lao động nữ. Tuy nhiên, lượng lao động nữ tại thành phố Vị Thanh và khu vực lân cận gần như bảo hòa. Công ty mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ kêu gọi lao động về địa phương làm việc, để có thể đảm bảo sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh”.

Đồng hành chặt chẽ, chia sẻ kịp thời

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm “nước rút” thực hiện hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu trọng yếu theo Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Với lợi thế là tỉnh được Chính phủ phân bổ quỹ đất công nghiệp đến năm 2030 lớn thứ hai trong vùng ĐBSCL với 2.233ha, trong đó diện tích còn được tiếp tục sử dụng trong thời gian tới là 1.750ha. Cùng với đó, ngày 22-6-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hậu Giang là tỉnh thứ 2/63 của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện. Do đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát huy lợi thế này để công nghiệp thực sự trở thành trụ cột phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nền kinh tế.

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, theo Chủ tịch UBND tỉnh rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, ông Đồng Văn Thanh kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục đồng hành cùng với chính quyền tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; tăng cường đoàn kết, hợp tác để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà; liên kết phát triển nguồn nguyên liệu; giải quyết việc làm, thu hút lao động trên cơ sở cạnh tranh về thu nhập và điều kiện làm việc.

Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội. Tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách của địa phương; ủng hộ tỉnh nhà trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế và chính sách an sinh xã hội. Đề cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh trong việc làm cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp. Chủ động báo cáo và đề xuất hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua Ban Chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt là sớm giải quyết các vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, gửi lời chúc mừng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã có bước trưởng thành lớn mạnh, qua đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 “Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ, chia sẻ kịp thời các khó khăn cho các doanh nghiệp. Tôi đề nghị các sở, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời, nhanh chóng trả lời các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Các kiến nghị, đề xuất bức xúc không thuộc thẩm quyền hoặc không phù hợp quy định pháp luật thì cần có thông tin để các doanh nghiệp được biết”, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định.

Ngoài ra, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết với những tiềm năng, lợi thế Hậu Giang trong thời gian tới, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp chưa có mặt tại Hậu Giang, các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục lan tỏa cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Nghiêm Xuân Thành mong rằng các đơn vị tiếp tục tin tưởng, tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để cùng nhau đón cơ hội mới. Ngoài ra, ông Nghiêm Xuân Thành chúc các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững góp phần vào sự phát triển Hậu Giang như Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm.

Theo MỘNG TOÀN (Báo Hậu Giang)