Hậu Giang: Sân chơi trí tuệ

27/01/2023 - 18:17

Nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh đã được nâng tầm lên thành dự án, sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Cuộc thi khoa học kỹ thuật và Ngày hội STEM cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2022-2023 khép lại, tạo nhiều dấu ấn, mang tính ứng dụng thực tế cao.

A A

Các sản phẩm STEM tạo nhiều dấu ấn mới cho cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Nhiều dự án mang hơi thở cuộc sống

“Em thấy mẹ ở nhà rất vất vả và tốn nhiều thời gian trong việc vệ sinh, lau dọn nhà cửa nên đã nảy sinh ý tưởng thiết kế bộ lau sàn nhà tiện ích. Có thiết bị công nghệ hỗ trợ, việc nhà trở nên nhẹ nhàng hơn, mẹ bớt làm việc nặng”, em Cao Nguyên Hoàng Vũ, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ. Bộ “Thiết bị lau sàn nhà” của em Vũ và bạn học cùng lớp gây ấn tượng bởi việc gắn kết 2 bộ lau sàn lại với nhau, thay vì chỉ 1 bông lau như truyền thống, tăng hơn diện tích tiếp xúc với mặt sàn, giúp giảm hơn một phần hai thời gian lau nhà so với thực tế. Ngoài ra, cài đặt mô tơ hoạt động với cơ chế phun sương tiện lợi, thiết kế gọn, nhẹ, vật liệu lắp ráp dễ tìm mua… Sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất mở rộng đưa ra thị trường.

Là một trong những dự án được đánh giá cao vì tính ứng dụng, dự án “Kem dưỡng da thảo dược”, của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, cũng được đánh giá cao. Em Nguyễn Trọng Phúc, học sinh lớp 11T, đại diện nhóm thực hiện dự án, cho biết: “Em thấy hiện nay trên thị trường nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi, kem trộn không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất có hại cho da mặt, nên đã cùng bạn và giáo viên hướng dẫn thực hiện dự án này. Tinh bột nghệ, trà xanh và gel lô hội là 3 thảo dược tự nhiên chúng em chọn nghiên cứu. Thành phần tự nhiên, cũng như đặc tính làm đẹp của các loại cây này chắc hẳn ai cũng đã biết. Em hy vọng với dự án này sẽ giúp việc làm đẹp da mặt của mọi người an toàn hơn”. Để thuyết phục về mặt khoa học, giáo viên hướng dẫn nhóm đã gửi mẫu đi thí nghiệm và đã được ngành chức năng kiểm chứng, nhận định sản phẩm tự nhiên, không gây hại cho da mặt khi sử dụng với lượng phù hợp. Dự án này được trao giải nhì tại cuộc thi.

Hay dự án “Thiết bị nuôi cá chạch lấu tích hợp, hệ thống cân bằng nhiệt độ và kiểm soát chất lượng nước”, của nhóm học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A; dự án “Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh cấp THCS và giải pháp khắc phục” của học sinh Trường THCS Trường Long A; dự án “App dạy học thông minh trên điện thoại Android” của nhóm học sinh Trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp… Không chỉ đa dạng về ý tưởng đề tài, mà hàm lượng chất xám, tính ứng dụng khoa học cao.

So với 9 lần cuộc thi được tổ chức trước đó, lần thứ 10 này là lần đầu tiên toàn tỉnh có 100% các trường THPT, các phòng giáo dục và đào tạo có dự án tham gia. Nếu như năm đầu tiên khi mới tổ chức cuộc thi (năm học 2013-2014), chỉ có 57 dự án thì đến năm học này, cuộc thi thu hút đến 127 dự án. Qua vòng sơ khảo, có 110 dự án của 190 học sinh được tiếp tục tham gia vào vòng chung khảo cuộc thi (cấp THCS có 46 dự án; THPT có 64 dự án). Kết quả có 67 dự án xuất sắc nhất được trao giải.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Không chỉ tăng về số lượng dự án, mà chất lượng các dự án tham gia thi năm nay cũng nâng tầm rõ rệt. 10 năm tổ chức cuộc thi, đây là lần chúng tôi cảm thấy hài lòng vì đa số học sinh thuyết trình tốt, thể hiện sự am hiểu sâu sắc về vấn đề nghiên cứu và thể hiện sự trải nghiệm trong suốt quá trình nghiên cứu”.               

Dấu ấn từ Ngày hội STEM

Điểm mới của cuộc thi năm nay là có thêm sản phẩm tham gia Ngày hội STEM. Em Trần Ngọc Thảo Nguyên, học sinh lớp 6A6, Trường THCS Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tham gia thi, chúng em đã mang đến sản phẩm “Túi giấy đựng quà tặng”, tận dụng các nguyên vật liệu bỏ đi như giấy bì cứng, bìa tập, nắp chai, lá cây khô, ống hút để tái chế lại trở thành những chiếc túi giấy xinh xắn để đựng quà, tập, bút, viết. Sản phẩm này không chỉ giúp tiết kiệm được các loại nguyên vật liệu có sẵn hàng ngày mà còn thân thiện với môi trường. Hoạt động này giúp chúng em rèn được nhiều kỹ năng như quan sát, kỹ năng cắt dán, làm việc nhóm”.

Hấp dẫn là sản phẩm STEM “Trồng cây trên dụng cụ tiết kiệm nước” của nhóm 8 học sinh Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh. Em Trần Ngọc Mai Vàng, đại diện nhóm, cho biết: “Sản phẩm này là sự kết hợp của các môn học như toán, vật lý, sinh học và cả mỹ thuật nữa, không chỉ mang lại lợi ích tiết kiệm nước, khi vận dụng linh hoạt các kỹ năng tính toán, điều tiết thời gian, lượng nước, kiểm soát tốc độ phát triển của cây mà sản phẩm tạo ra còn phải bắt mắt và đẹp”.

Ngày hội STEM hấp dẫn không chỉ là nhận xét của nhiều học sinh mà cả giáo viên. Thầy Nguyễn Hải Sơn, giáo viên dạy mỹ thuật Trường THCS Phú Hữu, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tôi thấy nhiều sản phẩm học sinh ứng dụng kiến thức liên môn rất hay. Tuy lần đầu tiên các em dự thi sản phẩm STEM, nhưng tôi thấy mỗi sản phẩm học sinh mang đến đều có sự đầu tư, chăm chút và diễn giải rất tốt sản phẩm của mình làm ra”.  

Học sinh có những ý tưởng, qua sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn, nhiều dự án, sản phẩm khoa học đã hình thành. Nhiều dự án, sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh từ nền tảng sân chơi chất lượng này đã được khơi nguồn, hoàn thiện để vươn tầm cấp khu vực và quốc gia, đây cũng chính là niềm tự hào nhiều năm nay của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Nâng cao chất lượng các dự án có tính ứng dụng cao

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Một điều rất mừng là năm đầu tiên triển khai Ngày hội STEM lồng ghép vào Cuộc thi khoa học kỹ thuật nhưng học sinh đã có sản phẩm tốt, trình bày hết sức rõ ràng, thành thạo, tự tin, sử dụng công nghệ rất giỏi. Sắp tới, các trường cần đưa vào đánh giá, thi đua triển khai khoa học kỹ thuật, giáo dục theo định hướng STEM đưa vào đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; tiếp tục tranh thủ sự hướng dẫn góp ý, tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp, để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án có tính ứng dụng cao”.

Theo Báo Hậu Giang